Điêu khắc tượng phật độc đáo ở chùa kiến sơ


 

Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lâu nay nổi tiếng với di tích đền Gióng và lễ hội Phù Đổng đã được UNESCO vinh danh. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng ngay sát bên phải khu đền thiêng ấy là một ngôi chùa cũng hết sức độc đáo trong lịch sử Phật giáo dân tộc, nơi phát tích của một dòng thiền Việt Nam: chùa Kiến Sơ. Đây cũng là ngôi chùa mà kiến trúc và điêu khắc hiện tại là minh chứng cho một thời đoạn rực rỡ của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam song hành cùng sự phát triển của triết lý Phật giáo thấm đượm tinh thần Việt, bản sắc Việt.

Lịch sử ngôi chùa

Tương truyền, chùa xưa do một vị hương hào họ Nguyễn ở làng Phù Đổng, vì mến đức hạnh của nhà sư Lập Đức, muốn đổi nhà làm chùa để mời sư tới ở. Ban đầu sư không nhận, nhưng đêm mơ thấy có thần nhân bảo: “Nếu theo chí của Nguyễn thì chẳng mấy năm sẽ được điềm lành lớn”.

Theo Thiền uyển tập anh, vào năm Canh Tý, Đường Nguyên Hòa thứ 15 (năm 820), thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu, Trung Quốc, sang nước ta truyền đạo. Biết đó là người phi thường nên Lập Đức hết lòng phụng sự, tôn ông làm thày và mời ở lại trụ trì. Vô Ngôn Thông đã đổi pháp hiệu cho Lập Đức là Cảm Thành. Ngôi chùa từ đây có tên là Kiến Sơ và trở thành tổ đình Thiền phái Kiến Sơ (1). Tên gọi này đồng thời cũng trùng với tên mà Khương Tăng Hội dùng đặt cho ngôi chùa đầu tiên ở kinh đô Kiến Nghiệp của nhà Ngô, miền Nam Trung Quốc, với ý nghĩa là sự khởi đầu tốt đẹp (2).

Thiền phái Kiến Sơ do Vô Ngôn Thông sáng lập nên đã được truyền thừa ở Việt Nam trong bốn thế kỷ, từ đầu TK IX đến TK XIII, qua 17 thế hệ. Mặc dầu Vô Ngôn Thông vốn là truyền thừa của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải nhưng khi qua Việt Nam, ông đã ôm ấp một quan điểm hoàn toàn khác với những gì đã tồn tại trong Thiền học Trung Hoa (3) và cùng với các thế hệ thiền sư người Việt biến Kiến Sơ thành một dòng thiền của Việt Nam. Sự xuất hiện của Thiền phái này không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo mà còn góp một phần không nhỏ vào việc hình thành một nhà nước phong kiến độc lập sau TK XI.

Theo lịch sử ghi chép, trước khi lên làm vua, Lý Công Uẩn đã đến tu và học kinh Phật ở chùa này. Trong một lần nằm mộng, ông đã được báo trước về việc lên ngôi thiên tử qua bài kệ:

Nhất bát công đức thủy

Tùy duyên hóa thế gian

Quang quang trùng ảnh chiếu

Một ảnh nhận đăng sơn

Bốn câu thơ chữ Hán này đã dự báo rằng triều Lý sẽ được truyền qua 8 đời, đem lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước. Sau này, khi lên ngôi, Lý Thái Tổ (1010-1028) vẫn thường xuyên đến đây thỉnh chuyện thiền sư Đa Bảo (thuộc dòng thiền Kiến Sơ thế hệ thứ năm). Thiền sư cũng thường xuyên vào cung thưa hỏi yếu chỉ thiền. Chính vua Lý Công Uẩn đã xuống chiếu trùng tu và mở rộng ngôi chùa. Sau Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông đã trở thành thế hệ truyền thừa thứ 8 của thiền phái Kiến Sơ và cũng thường xuyên đến vấn thiền tại chùa này. Chùa lúc bấy giờ có hơn một trăm tăng đồ. Sự ghi chép này của lịch sử chứng tỏ xưa kia ngôi chùa Kiến Sơ phải là một ngôi chùa mang tầm vóc quốc gia, hoặc có vị trí như một hành cung hoặc một đại danh lam.

Kiến trúc

Ngày nay, diện mạo của ngôi chùa hầu như không còn dấu tích gì của thời Lý. Từ đê sông Đuống, những bậc thang thoai thoải dẫn tới bốn trụ biểu, không đơn thuần là của riêng nhà chùa mà được xem như lớp nghi môn cho toàn bộ cụm di tích gồm chùa Kiến Sơ và đền Gióng. Qua một khoảng sân rộng là tam quan, hai tầng 4 mái, dựng theo lối kết hợp giữa kiến trúc gỗ và gạch xây đầu hồi bít đốc, có niên đại khá muộn, khoảng TK XIX. Một không gian xanh ngát mở ra với hương sen ngào ngạt từ một hồ sen lớn tọa lạc ngay trước tiền đường của ngôi chùa, như thể nhân gian được gột rửa bụi trần trước khi vào cõi Phật.

Kiến trúc khu chính điện của chùa Kiến Sơ ngày nay là một hợp thể của các thành phần kiến trúc được xây dựng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Mặt bằng tổng thể mang dạng thức rất phổ biến của một ngôi chùa hoàn thiện vào TK XVIII, nội công ngoại quốc. Tuy nhiên, người ta cũng dễ dàng nhận ra điểm khác biệt của kiểu thức kiến trúc này ở chùa Kiến Sơ. Đó là mặt bằng hình vuông của thượng điện được xây cao hẳn lên so với gian tiền đường cũng như thiêu hương. Gian thượng điện này được dựng trên hai bộ vì với sáu hàng chân cột. Kiến trúc nguyên thủy của nó cũng đã được sửa nhiều lần nên kết cấu hiện tại khá phức tạp, gồm vì gỗ, ốp ván và song phía ngoài để lấy ánh sáng nhưng đồng thời ngăn cách giữa thượng điện và thiêu hương lại là bức tường gạch, trổ thêm hai cửa vòm cuốn để nối thông giữa các thành phần kiến trúc.

Điều đáng quan tâm nhất trong kiến trúc thượng điện chùa Kiến Sơ có lẽ là mặt bằng hình vuông và một vài chân tảng chạm sen bằng đá xanh, khá chau chuốt. Theo phong cách chạm khắc của chân tảng này, niên đại muộn nhất của chúng có lẽ thuộc thời Trần. Dạng mặt bằng hình vuông lại rất phổ biến đối với những ngôi chùa thời Lý. Hình vuông trung tâm này cũng ứng với biểu hình Mandala, kết cấu của một đàn tràng cho việc tụng niệm và hành lễ, cách thức tu tập rất phổ biến của Phật giáo vào giai đoạn bấy giờ. Những chân tảng hoa sen làm đế trụ cho hầu hết các cột cũng góp phần cho sự phát triển của ý nghĩa biểu tượng của ngôi chùa có bình đồ dạng Mandala.

Khu tiền đường có dạng kết cấu bảy gian, tường hồi bít đốc. Tòa thiêu hương có ba gian với các hệ vì gỗ, bốn hàng chân có kết cấu chồng rường, giá chiêng đơn giản. Chúng kết hợp với khu thượng điện hình vuông để tạo nên dạng hình chữ công hoàn hảo đối với lối kiến trúc TK XVIII. Hai bên hành lang kết hợp với nhà tổ và gác chuông phía sau thượng điện, trở thành đường bao của chữ quốc.

Trong khuôn viên ngôi chùa Kiến Sơ hiện nay còn có sự tích hợp của tín ngưỡng dân gian thờ mẫu. Điện mẫu có dạng kiến trúc hình chuôi vồ, nằm ngay phía sau bên trái thượng điện, nhưng quay mặt theo hướng ngược lại với tổng thể cả ngôi chùa. Tiền đường điện mẫu là một căn nhà ba gian kết hợp với phần chuôi vồ cũng được xây theo lối ba gian. Đối diện với điện mẫu là nhà tổ.

Khuôn viên rộng lớn với những dấu tích kiến trúc còn sót lại của thời Trần, liên ứng với đặc điểm của các ngôi chùa thời Lý, của ngôi chùa Kiến Sơ hiện nay cho thấy ngôi chùa vốn là một trung tâm Phật giáo sớm của Việt Nam, thậm chí nó là một địa điểm quan trọng của thời Lý. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các công trình phục vụ tín ngưỡng dân gian thờ mẫu lại nói lên một điều: trải qua nhiều biến cố lịch sử và những thăng trầm của Phật giáo, ngôi chùa dần hòa nhập với các hình thức tín ngưỡng dân gian khác, trở thành một ngôi chùa làng sống trong lòng nhân dân.

Điêu khắc

Nếu nghệ thuật kiến trúc được thể hiện ra trong chùa Kiến Sơ không thực sự đặc sắc so với đa số những ngôi chùa chồng xếp các lớp niên đại thì hệ thống những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở đây lại rất đáng được chú ý. Với hình thức kiến trúc cốt lõi là hình chữ công, cách thức bày đặt hệ thống tượng thờ ở chùa Kiến Sơ có lẽ cũng không khác bao xa với những ngôi chùa được hoàn thiện vào TK XVIII. Chùa cũng có nhiều bộ tượng quan trọng, như Tam Thế, Adiđà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam thánh, tượng Di Lặc, có cả bộ tượng Ngọc Hoàng bên cạnh hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu và có tới ba bộ Thích Ca Cửu Long. Phong cách chạm khắc những tác phẩm này cũng không tương đồng với nhau, tượng có niên đại sớm nhất là TK XVII.

Đáng chú ý là sự xuất hiện đa dạng những pho Quan Âm, từ Nam Hải đến Chuẩn Đề, Tọa Sơn, Thiên Thủ Thiên Nhãn, làm nên nét độc đáo của hệ thống điện Phật chùa Kiến Sơ. Hai pho có niên đại sớm, đầu TK XVII, là Âm Nam Hải 12 tay, bày ở trung tâm Phật điện và pho Chuẩn Đề, ở phía trái tòa Thượng điện. Hai pho Tọa Sơn và Tống Tử có niên đại muộn hơn, khoảng đầu TK XVIII. Riêng pho Thiên Thủ Thiên Nhãn có niên đại cuối TK XVIII, đầu TK XIX. Bên cạnh đó còn có hai pho tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi trên voi trắng, cũng là những tác phẩm mang thần thái vô cùng sống động. Năm pho tượng Quan Âm kể trên, được tạo tác ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, trong cùng một điện Phật, đã thể hiện được phần nào sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc tượng Quan Âm ở Việt Nam; đồng thời còn giúp xác nhận sự phát triển của tổ đình Kiến Sơ TK XVII – XVIII đã hòa vào dòng Phật giáo dân gian, sau khi mất đi vai trò trung tâm trước đây.

Đặc sắc nhất về nghệ thuật tạc tượng là pho Nam Hải, ở chính giữa điện Phật, mặc dầu pho tượng này ngày nay đã không còn nguyên vẹn. Tượng hoàn toàn không có bệ, chỉ có khúc giữa là đầu quỷ đội đài sen cho Quan Âm. Pho tượng có một vẻ đẹp mộc mạc của phong cách nghệ thuật TK XVII. Khuôn mặt tượng khá thuần phác, đầu đội mũ thiên quan, trên có tấm che tóc cầu kỳ. Phía trước và hai bên của chiếc mũ này có trang trí hình lá đề, trên hình lá đề lại có ảnh tượng Đức Adiđà – đức cha tinh thần của Người. Tượng có dáng ngực nở, eo thon, ống tay áo chùng xuống dạng hình vòng cung để che cánh tay, chỉ lộ ra hai bàn tay mềm mại đặt trên đùi. Đôi tay ở giữa chắp lại theo thế liên hoa hợp chưởng ấn, còn bốn đôi tay hai bên xòe ra tạo thành một vòng, trên mỗi tay đều cầm những bảo pháp khác nhau. So với những tác phẩm Quan Âm cùng niên đại thì pho tượng này khá nhỏ về kích thước nhưng được tạo tác một cách tinh tế, thanh thoát, nhất là vành mũ và các đôi tay.

Hai pho Tọa Sơn và Tống Tử, TK XVIII, cũng là những tác phẩm đẹp nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật điêu khắc. Lối tạo hình gắn với giả sơn và lối ngồi của Quan Âm một chân co, một chân duỗi, mặc dầu rất gần với dạng thức Quan Âm suy tư, thịnh hành ở Trung Hoa cũng như các nước châu Á, nhưng trang phục và thần thái đã hoàn toàn Việt. Người ta nhìn thấy tà áo pháp của các bà chảy mềm, chẳng khác gì những tấm áo nâu sồng của các sãi. Hình thức đắp giả sơn quanh hai pho tượng này cho phép đoán định, có lẽ chúng đã được tạc cùng thời với hệ thống động phật liền sát phía sau thượng điện của ngôi chùa.

Những động phật này không chỉ mang giá trị đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc mà còn là một phần của kiến trúc, bởi một phần ba phần diện tích thượng điện của ngôi chùa đã được dành chỗ làm các động. Vị trí của các động này lại càng cho thấy mặt bằng vuông của thượng điện như được mở ra bốn hướng, đúng kiểu đồ hình Mandala. Các động được chia làm hai phần trên, dưới, như kể ra một câu chuyện về sự hoằng dương Phật pháp đến các tầng lớp trong xã hội. Sự hoằng dương này được mọi tầng lớp thực hiện: Phật tổ, Thánh Tăng, Bồ Tát Quan Âm, với sự tương hỗ của đức Adiđà, Tuyết Sơn, Di Lặc. Các kiếp người đi, nghe và làm theo con đường Phật pháp, con đường thiện thì sẽ trở về với thế giới cực lạc mà biểu tượng cuối cùng chính là cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Trở về với bản nguyên, tìm thấy Phật tính tại tâm, đó cũng là cái lý lẽ lớn nhất của Phật giáo.

Ngoài các điêu khắc Phật giáo mang giá trị nghệ thuật cao, chùa Kiến Sơ hiện nay còn lưu giữ hai pho tượng rất độc đáo là thiền sư Vô Ngôn Thông và vua Lý Công Uẩn. Vị trí sắp đặt của hai pho tượng này cũng tương đối đặc biệt so với tính chất thờ tượng tổ ở đa số các chùa Việt Nam. Chúng được đặt ngay ở gian thượng điện của chùa chứ không phải nằm ở dãy nhà tổ cùng với các pho tượng tổ sư khác. Nếu xét về vị thế thì Vô Ngôn Thông cũng chỉ là một vị tổ khai sáng ra một dòng thiền, giống như Như Trừng Lâm Giác khai sơn môn Liên Phái. Phải chăng trên một khía cạnh khác, vì tư tưởng của ông về Phật tâm, tâm Phật và việc xác định đất Phật, cũng như vị thế của ngôi chùa này trong lịch sử nên ông đã được coi như một vị phật (?). Do đó tượng của ông đã được đặt tại thượng điện và sát cạnh tượng Lý Công Uẩn, người khai sáng ra triều đại nhà Lý và làm cho Phật giáo Việt được hưng long suốt hai thế kỷ tiếp sau. Việc xuất hiện hai pho tượng này đã nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử của ngôi chùa và sự đóng góp của các dòng Thiền Việt Nam vào việc xây dựng một quốc gia độc lập. Kiểu thức thờ tự này cũng có thể xem như một dạng tiền phật hậu thánh giai đoạn sớm. Mặc dù cả hai pho tượng được tạc trong TK XVIII, nhưng không có nghĩa đến thế kỷ này, hai nhân vật mới thực sự được đưa vào thờ ở khu thượng điện.

Về nghệ thuật tạo tác, tượng thiền sư Vô Ngôn Thông được mô tả ngồi xếp bằng, thế dáng ung dung tự tại, một tay cầm phất thu vào trong mình, một tay đặt lên đùi trái. Gương mặt tượng đầy đặn, phương phi, không góc cạnh, mắt nhỏ, mũi lớn, hai thùy tai chảy dài kiểu tướng phật. Thần thái pho tượng như thể có niềm vui được toát lên từ nội tâm với khóe miệng hơi cười, chân thực, sống động đến lạ kỳ. Phải nói rằng, không chỉ việc chạm khắc khuôn hình từ gỗ cho chân dung vị thiền sư này, mà cách đắp đất, làm hom và tô tượng cũng đã đạt đến một trình độ hoàn hảo. Hàng ria lún phún, đôi lông mày và khóe mắt được vẽ rất đơn giản, đã góp phần cho người đời hình dung một nhân vật thiền sư từ Trung Hoa đến, cũng như tính cách và lối tu tập kiểu quán bích (4) trầm lặng của ông. Những nếp áo của tượng chảy mềm xuống thân và một lớp áo vân kiên phủ vai hình lá sen, càng khiến cho trang phục của pho tượng trở nên mềm mại, thanh thoát. Đáng chú ý là cái phất cầm trong tay vị thiền sư này. Phất hay bạch phất là pháp cụ quét sạch những phiền não, trừ hết chướng nạn. Cây bạch phất vốn là một pháp khí của Mật tông, sau được dùng trong Thiền tông, và thường, những người đại diện trụ trì dùng nó trong khi nói pháp, giảng đạo cho chúng sinh (5). Có lẽ sự xuất hiện của cây phất trong tay thiền sư đã góp phần nói lên yếu tố Mật giáo trong chủ thuyết Phật pháp của dòng thiền Kiến Sơ mà ông là chủ xướng.

Pho tượng Lý Công Uẩn cũng là một tác phẩm đáng chú ý. Tượng miêu tả đức vua ngồi thế hiền tọa, hai chân đặt song song, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc quan phục với đai lưng và bổ tử trang trí vân mây, hoa lá, hai tay đang nâng thẻ bài. Khuôn mặt ông phúc hậu, lộ rõ vẻ từ bi và lòng thành tín. Việc không tạo hình vua trong trang phục thường thấy là áo long cổn, đội mũ bình thiên, có lẽ mang nhiều dụng ý. Trước khi trở thành vua, Lý Công Uẩn giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ; đó cũng là khoảng thời gian ông thường lui tới chùa. Hơn nữa, ngoài tài đức, việc Lý Công Uẩn trở thành thiên tử cũng là nhờ vào sự ủng hộ của các thế lực Phật giáo nên việc miêu tả trên đã mang ý nghĩa giá trị lịch sử, cho thấy sự khiêm tốn cũng như gốc gác của vị vua đầu triều.

Cho dù chỉ là những giả tưởng về một vị thiền sư Trung Hoa và một ông vua khai quốc, nhưng hai bức tượng chân dung nói trên cũng là những ví dụ sống động về quan niệm của nghệ thuật điêu khắc dân gian trong cách thức tạc chân dung các vị tiền bối. Các nghệ nhân dân gian không chỉ tài giỏi trong kỹ thuật tạo hình mà còn thể hiện một sự sâu sắc trong việc lựa chọn điểm rơi lịch sử nhân thân của nhân vật, để qua chi tiết mà có thể khái quát được cả cuộc đời và bản chất của họ. Có thể nói, từ kiến trúc cho đến điêu khắc, chùa Kiến Sơ đã để lại những giá trị không nhỏ trong mỹ thuật cổ Việt Nam cũng như lịch sử Phật giáo buổi đầu trên đất Việt.

_______________

1. Thiền phái Kiến Sơ, một số sách gọi theo tên chùa, một số sách gọi là thiền phái Vô Ngôn Thông.

2. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc lấy lại tên Kiến Sơ để đặt cho một ngôi chùa Việt, khởi đầu một dòng thiền này còn mang hàm ý của hiện tượng Hậu Tăng Hội. Khương Tăng Hội mất vào năm 280 nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt qua một trung gian tên Hậu Tăng Hội, và chân thân của Hội vẫn được thờ phụng ở vùng người Việt và rất linh ứng. Đọc thêm Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.265.

3. Sđd, tập II.

4. Quán bích tức là tu theo lối úp mặt vào tường để tìm sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm Phật pháp.

5. Thích Quảng Độ, Phật Quang đại tđiển, Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc xb, 2009, tr.296.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Trang Thanh Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *