Lời thoại, ký ức và sự cô đơn trong phim vương gia vệ


 

Tất cả những bộ phim của Vương Gia Vệ ( kể cả bộ phim gần đây nhất, Nhất đại tông sư ) đều lấy “tình ái” làm chủ đề. Đó cũng là nguyên nhân gây ra biết bao nhiêu mâu thuẫn cũng như tầng tầng lớp lớp tâm trạng cảm xúc khác nhau trong phim của Vương. Nếu như nhìn nhận tổng quát những phim của Vương như một bữa tiệc về “ái tình” thì hình ảnh như khai vị, âm nhạc giống một mùi hương, thoại là món tráng miệng, ký ức là rượu ngon còn sự cô đơn là món chính để tạo ra thứ “ái tình” đầy màu sắc, kết nối tất cả các món ăn phụ khác.

Cô đơn là điều mà bất kỳ ai ở độ tuổi đang trưởng thành đều dần cảm nhận được. Với một số người, nó đến sớm, có người lại đến muộn và cũng có người may mắn chẳng bao giờ dính vào nó. Mùa hè năm 13 tuổi, tôi nhìn nhận rõ ràng sự cô đơn đã đến bên cạnh, chạm vào vai thầm thì: “Tôi đã nghe kể về một loài chim không chân… Loài chim đó cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim đó chỉ đáp xuống một lần trong đời… Đó là khi chết đi”. Đó là tư tưởng “tự do” của gã trai làng chơi Húc Tử trong A Phi chính truyện. Đây tư tưởng của rất nhiều thanh niện thời đại này.

Xã hội hiện đại mang nhiều màu sắc tư tưởng thị dân, cùng với đó là một loạt phim ảnh, sách báo trong và ngoài nước, như Into the wild, On the road hay như John đi tìm Hùng, Xách balo lên và đi, ít nhiều ảnh hưởng và mở ra trào lưu xê dịch trên toàn thế giới. Người trẻ tuổi chọn các chuyến đi để tìm lại và thay đổi chính bản thân mình. Tôi cũng như họ, những chuyến đi ban đầu giải phóng cho tôi một phần nào đó. Nhưng rồi, những chuyến đi chỉ đơn giản như một thứ cocain giúp tôi tạm thời tránh xa cuộc sống hiện tại. Thực tế, mọi thứ vẫn ở đó và chưa bao giờ biến mất cả. Sự bế tắc vẫn còn, cộng với sự băn khoăn về định hướng của tuổi thanh xuân. Tôi nhận thấy, mình vẫn chỉ là một cậu trai trẻ nhưng cô đơn. Có khác gì đâu tâm sự của Húc Tử: “Có một con chim…bay cho đến lúc chết. Nhưng nó chẳng đi được đâu. Vì nó đã chết từ lúc mới được sinh ra”…

Trong A Phi chính truyện, Húc Tử không cần bất kỳ chuyến đi nào để chạy trốn nỗi cô đơn. Nhưng y lao vào những cuộc phưu lưu tình ái mà trong khi chính y còn không thể hiểu được liệu thực sự y có biết yêu sẽ như thế nào. Cuối phim, Húc Tử chết, nó giống như kết thúc một tuổi thanh xuân hay những ngày tháng hoang dại sống trong vô định và sự cô đơn vĩnh viễn bị bỏ ngỏ về một loài chim không chân.

Đặc biệt, cái nhìn của Vương Gia Vệ về sự cô đơn được thể hiện rõ nhất trong bộ phim thứ ba của ông là Đông tà Tây độc. Đây là một bộ phim được “mượn tứ” và nhân vật từ các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Đó cũng là một trong những bộ phim kiếm hiệp kỳ lạ khi mà không nhấn mạnh chút nào vào tính “kiếm hiệp”.

Đông tà Tây độc tổng hợp được ba yếu tố quan trọng nhất của Kim Dung và Vương Gia Vệ, đó là: thù hận, cô đơn và ký ức. Ba yếu tố đó tạo ra một bộ phim đầy tính ái tình.

Câu chuyện đầu tiên xảy ra vào mùa xuân, Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh đóng) nhận được lời đề nghị yêu cầu ám sát Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy) từ Mộ Dung Yên (Lâm Thanh Hà). Mộ Dung Yên muốn giết chết Hoàng Dược Sư vì cho rằng người này đã bỏ rơi em gái mình là Mộ Dung Yến. Trong khi đó, người em gái kia lại yêu cầu Âu Dương Phong ám sát chính anh trai mình, người mà nàng nghĩ là đang cố ngăn cản tình cảm của mình với Hoàng Dược Sư. Sau nhiều lần tiếp xúc, Âu Dương Phong phát hiện ra, cả hai thật ra chỉ là một. Nhiều năm sau, người ta biết đến Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến như một quái nhân nửa nam nửa nữ vô địch thiên hạ. Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến khiến tôi liên tưởng đến một nhân vật khác của Kim Dung, Đông Phương Bất Bại. Một cao thủ ái nam ái nữ được mệnh danh là “bất bại”, cũng chỉ vì chữ “tình” mà thân bại danh liệt. Há chẳng phải hai kẻ cô đơn đó sao? Và Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến của Vương Gia Vệ chẳng quá cô đơn sao? Sau này, chính Lâm Thanh Hà cũng rất thành công với hình tượng Đông Phương Bất Bại.

Câu chuyện thứ hai xảy ra vào mùa hạ, về một kiếm khách mù (Lương Triều Vỹ), bạn thâm giao với Hoàng Dược Sư. Nhưng rồi chính thê tử của mình (Lưu Gia Linh) phải lòng Hoàng Dược Sư. Kiếm khách trên đường hành tẩu, khi biết mình sắp mù, quyết định trở về quê nhà để ngắm nhìn “hoa anh đào” một lần nữa, nhưng kinh phí không có. Anh ta ở lại tửu quán Âu Dương Phong nhờ trợ giúp. Âu Dương Phong yêu cầu kiếm khách mù thay mình chống một lũ mã tặc. Kiếm khách tử nạn. Trước đó, kiếm khách đã yêu cầu Âu Dương Phong chuyển lời đến với Hoàng Dược Sư: “Hãy cho hắn biết… có một người phụ nữ đang đợi hắn ở quê nhà…”. Âu Dương Phong tìm đến quê nhà của anh ta, phát hiện ra nơi đây chẳng có bất cứ cánh hoa anh đào nào. Y chợt hiểu ra, “hoa anh đào” mà vị kiếm khách muốn nhìn lần cuối chính là thê tử của anh ta.

Câu chuyện thứ ba là vào mùa thu, nói về bang chủ Cái Bang Bắc Cái Hồng Thất Công, tên thật là Hồng Kỳ (Trương Ngọc Hữu), từng đến tửu quán bắt đầu công việc ám sát qua sự môi giới của Âu Dương Phong. Tuy nhiên, đây là người trái ngược với Âu Dương Phong. Thay vì để người mình yêu thương ở lại, sau khi kết thúc công việc ở chỗ Âu Dương Phong, Hồng Thất Công đã mang theo thê tử của mình ngao du thiên hạ. Anh cũng giúp cô gái nghèo báo thù cho anh trai mình. Trong phim của Vương Gia Vệ, đây là một trong số ít nhân vật thoát khỏi sự cô đơn và tìm lại được hạnh phúc bên cạnh mình. Có lẽ, vì y chưa từng làm một điều gì khiến bản thân phải tiếc nuối.

Câu chuyện thứ tư là vào mùa đông. Đó là một phần hồi tưởng của Âu Dương Phong. Tại núi Bạch Đà, Âu Dương Phong có một người mà y cực kỳ yêu thương (Trương Mạn Ngọc) nhưng chưa bao giờ y nói với nàng. Ngày trước, y rời bỏ quê nhà và người yêu mình để hành tẩu giang hồ mà không mảy may suy nghĩ. Trong một lần trở về, thấy nàng đã trở thành chị dâu mình.

Hoàng Dược Sư cũng yêu người con gái này. Sở dĩ năm nào anh cũng đến gặp Âu Dương Phong là để tìm hiểu tin tức cho người mình yêu thương.

Người yêu hận Âu Dương Phong cứ mãi bỏ nàng đi và để trả thù, nàng đã kết hôn với anh trai hắn. Đó là bi kịch của nàng. “Tôi luôn nghĩ là mình thắng, cho tới một ngày, khi soi gương, mới biết là mình thua! Trong suốt những năm đẹp nhất của đời người, người mà mình yêu thương nhất lại không ở bên cạnh. Giá như có thể làm lại từ đầu thì tốt đẹp biết bao!”.

 Đối với tôi, Đông tà Tây độc là một trong những kiệt tác hàng đầu của Vương Gia Vệ. Trong phim, sự cô đơn được cắt gọt đến độ tinh khiết nhất. Vẫn dựa trên những tư tưởng của tiểu thuyết Kim Dung, nhưng Vương biến hóa nó đa dạng và mang nhiều tính mỹ học hơn. Mọi thứ rốt cuộc cũng chỉ xuất phát từ chữ “tình”. Chữ “tình” khiến yêu, hận và cô đơn… Đó chẳng phải nguyên mẫu của rất nhiều nhân vật trong nguyên tác của Kim Dung sao, và đó chẳng phải cũng là nguyên do khổ đau trong thiên hạ này sao?

Nếu A Phi chính truyện có một gam màu xanh của tuổi trẻ và chán chường, Đông tà Tây độc có gam màu vàng của ký ức hay hoài niệm thì Trùng Khánh sâm lâm lại có màu sắc tươi sáng thành thị hiện đại, và bạn cũng nhìn thấy một sự cô đơn khác.

“Tất cả chúng ta đều có những lúc thất tình. Tất cả những lúc tôi thất tình, tôi đều chạy bộ. Chạy bộ làm tiêu hao nước trong cơ thể chúng ta…thế là chúng ta không còn nước mắt để khóc nữa.” (nhân vật Hà Chí Vũ ( Kim Thành Vũ ).

Đó là những câu chuyện về một chàng trai bị thất tình trong đúng ngày sinh nhật của mình. Đây là một bộ phim ông muốn làm thật bản năng, giống như việc đã quá mệt mỏi với Đông tà Tây độc ngay trước đó. Quay trở về làm một bộ phim nhẹ nhàng về những người cô đơn ở thành thị. Những nhân vật trong Trùng Khánh sâm lâm đều mắc phải những vấn đề của các nhân vật trong Đông tà Tây độc nhưng mọi chuyện đã kết thúc theo một cách khác. Sau đó, họ đã tự giải thoát và tìm được hạnh phúc của chính mình. Đa phần khoảng thời gian chúng ta sống đều là ở một mình. Chính vì điều đó tôi dễ đồng cảm với sự cô đơn của những người thành thị hiện đại trong phim. Ai xem xong phim này, cũng nhận xét rằng nó quá đáng yêu. Trong cái sự cô đơn đó, người trẻ thành thị cô đơn dường vẫn luôn mong muốn rằng: “Chúng ta giáp mặt những người khác hàng ngày. Chúng ta có thể không biết nhau…nhưng chúng ta có thể trở thành bạn tốt một ngày nào đó” (Hà Chí Vũ).

Đọa lạc thiên sứ lại tương phản lại với chất thơ đáng yêu trong Trùng Khánh sâm lâm. Bao phủ bộ phim là một màu tối xám, nặng nề và mệt mỏi. Cái cảm giác uể oải chán chường và mất phương hướng. Tôi cảm giác như các nhân vật đang thu mình lại, lẩn vào những góc nhỏ ở Hồng Kông và bị nỗi cô đơn gặm nhấm. Trong phim, các nhân vật đều bị “dở hơi”. Một tay sát nhân thích một cuộc sống vô vị nhạt nhẽo được sắp đặt trước. Một cô gái đối tác yêu đơn phương anh ta sau đó lại sắp đặt trước cho cái chết của y. Một chàng trai bị câm và mắc bệnh “dở hơi”, luôn thích làm thuê cho chính mình. Một cô gái tóc vàng lúc nào cũng cuồng nhiệt. Một cô gái thất tình và luôn tìm kiếm tình địch của mình… Có lẽ đó là một xã hội đa chiều. Chúng ta đều bị “dở hơi” trong cái xã hội đó. Tôi tự hỏi, liệu có phải chính sự cô đơn là nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm kha khó chữa đó không?

Nếu nói về cảnh miêu tả tâm trạng cô đơn đâm chất Vương nhất, tôi sẽ đề cử những cảnh slow motion trong Tâm trạng khi yêu với âm nhạc của Shigeru Umebayashi. Cảnh Tô Lệ Trân đi xuống cầm theo cái làn thức ăn, khuôn mặt buồn bã ẩn dưới làn khói. Rồi cô đi lên cầu thang, giáp mặt với Chu Mộ Văn. Hai người cười mỉm với nhau xã giao rồi lại đóng kín tấm lòng mình, quay trở lại nỗi cô đơn của riêng mình. Đó là một cảnh quay bất hủ. Với cú lắc hôngvới bước đi đầy điệu nghệ quyến rũ trong bộ sườn xám của Trương Mạn Ngọc cùng cái nhìn đầy tình ý nhưng rất tế nhị của Lương Triều Vỹ.

Cả hai nhân vật đã trưởng thành và bắt đầu đối diện với cuộc sống gia đình. Sự cô đơn vì thế mà khác biệt rất nhiều. Họ không còn là “một loài chim không chân” nữa. Họ sống với ký ức sâu kín về người kia. Nhưng khoan hãy bàn về ký ức. Chúng ta hãy đi hết sự cô đơn. Phần đông đến một độ tuổi nào đó, khi bắt đầu có gia đình, họ nghĩ rằng sự cô đơn sẽ buông tha họ. Nhưng có lẽ không hẳn. Phim của Vương nói với tôi rằng thực chất, đa phần lúc này họ thường chấp nhận sống chung với sự cô đơn của chính mình.

Giống như Trùng Khánh Sâm Lâm, My Blueberry night là phim kết thúc có hậu nhất của Vương. Tôi cảm giác, tất cả những bộ phim của Vương giống như một chuỗi những hành trình dài theo bản năng đi tìm kiếm những lời giải đáp cho ký ức, thân phận và cô đơn. Mỗi giai đoạn, ông có một sự lý giải khác nhau. Nếu sâu chuỗi lại, ta sẽ thấy một sự chuyển biến rất thú vị.

Nhiều người nhận xét rằng, so với những bộ phim trước, My blueberry night mờ nhạt hơn. Tôi thì không cho là vậy. Vẫn chủ đề muôn thuở đó, Vương khai thác ở một khía cạnh khác. Hoặc vẫn trên khía cạnh đó nhưng nhìn vào nó một cách khác, mang tính chiêm nghiệm hơn. Trong phim, Vương đã cho các nhân vật của mình giải thoát được khỏi chính bản thân mình. Elizabeth cuối cùng đã thanh thản với quá khứ bị bỏ rơi của mình. Jeremy sau nhiều năm cũng gặp lại người bạn gái xưa (người mà anh miêu tả là thích ngắm mặt trời lặn hơn là những cái khóa) và kết thúc phim bằng nụ hôn với Elizabeth. Sue Lynne (Rachel Weisz) sau cái chết của người chồng cũng quyết định đi làm lại một cuộc đời mới. Leslie (Natalie Portman) cũng đã bắt đầu hiểu ra cuộc đời với những canh bạc đỏ đen của mình… Mọi người đều đi qua một hành trình để thanh thản với quá khứ của chính mình. Và sau đó, họ có một khởi đầu mới.

“Anh biết không, vào đêm em đi, em đã đến đây. Nhưng em đã không đi qua cánh cửa đó. Em gần như đã bước vào. Em biết là nếu em làm thế em sẽ chỉ là một Elizabeth cũ. Em không muốn làm người đó nữa” (Elizabeth, My blueberry night).

Như tôi nói ban đầu, nếu như thoại là món khai vị để Vương đưa ra ý tứ của mình, cô đơn là món chính cũng là khởi nguồn của chủ đề “ái tình”, thì ký ức giống như một loại rượu thượng hạng. Dù bạn biết hay không biết uống nó, yêu hay ghét nó, nó vẫn xuất hiện trên bàn tiệc một cách ngạo nghễ, và ai cũng phải chấp nhận thậm chí dành cho nó sự tôn kính.

Đối với Vương, mọi nguồn gốc của sự cô đơn là ký ức.

Điều gì đã tạo nên một Húc Tử cô đơn trong A Phi chính truyện: “Hôm nay là… 16-4-1960, một phút trước 3 giờ. Em đứng bên anh… Vì em, anh sẽ nhớ mãi một phút này. Chúng ta đã là bạn trong một phút. Đó là thực tế không thể phủ nhận” (Húc Tử). “Liệu anh ấy có nhớ một phút đó không?… Tôi không biết nữa. Nhưng tôi luôn nhớ người đàn ông này” (Tô Lệ Trân)

Đa phần con người luôn giống như Húc Tử và Tô Lệ Trân. Ký ức giống như một chuỗi những hiệu ứng domino vòng tròn khiến chúng ta không thể quên, song không dám nhớ quá nhiều. Húc Tử ám ảnh với quá khứ đau buồn, bị người mẹ của mình bỏ rơi từ nhỏ. Nhiều năm sau, anh ta giữ một bí mật đau thương đó rồi lao vào các cuộc phưu lưu tình ái, nhưng y chẳng muốn gắn bó với bất kỳ một ai. Thế rồi, nỗi đau bị bỏ rơi vô tình truyền cho những cô gái khác. Cuối cùng, y mãi mãi vẫn chỉ là gã trai trẻ cô đơn, bị ám ảnh bởi quá khứ của mình…

Hay như trong Đông tà Tây độc, Vương có nói (qua nhân vật Hoàng Dược Sư) rằng: “Cô ấy nói, phiền não lớn nhất của con người là nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết được chuyện quá khứ thì mỗi ngày đều là một khởi đầu mới”. Người yêu của Âu Dương Phong chết trong âu sầu, trước khi qua đời, nàng để cho Hoàng Dược Sư một loại rượu có thể giúp quên đi quá khứ và nhờ đưa cho Âu Dương Phong. Hoàng Dược Sư uống loại rượu đó để quên đi quá khứ, trong khi Âu Dương Phong uống loại rượu đó lại chỉ nhớ nhiều hơn. Mỗi lần nhìn về hướng núi Bạch Đà, trong mắt y hiện lên hình ảnh người con gái đang đợi mình ở đó. “Một khi cố quên mà không được thì chỉ càng thêm nhớ mà thôi. Ta từng nghe người ta nói, nếu không có được thứ mình muốn thì cách duy nhất là đừng cố quên!”(chị dâu Âu Dương Phong).

Vậy mà chỉ sau một năm, Vương lại nói rằng: “Nếu trí nhớ là một cái hộp, tôi mong nó không hết hạn. Nếu có một cái hạn được đề vào, tôi hy vọng nó sẽ là “một triệu năm”” (Hà Chí Vũ, Trùng Khánh Sâm Lâm). Vài năm sau, trong Tâm trạng khi yêu2046, Vương lại đưa ra một cái nhìn khác. “Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn, nhưng không thể chạm vào. Và mọi thứ anh ấy thấy đều không rõ ràng, không thể nghe, cũng không thể thấy” (Tô Lệ Trân, Tâm trạng khi yêu). “Khi người ta có những bí mật không muốn chia sẻ… thì họ lên 1 ngọn núi… tìm một gốc cây và đục lỗ trong đó… và thì thầm bí mật đó vào trong lỗ. Sau đó lấy đất lấp lại. Cách đó khiến không ai khám phá được bí mật” (Chu Mộ Văn, Tâm trạng khi yêu ). Có lẽ, đó là thời điểm những nhân vật này bắt đầu sự chấp nhận sống chung với ký ức của chính mình. Thậm chí, trong 2046, điều này còn được miêu tả một cách mãnh liệt hơn. “Anh ấy đã không hề quay lại… Như thể anh ấy đã lên một chuyến xe lửa rất dài, hướng về một tương lai mù mịt trong màn đêm sâu thẳm. Những ai đi đến 2046 cũng có mục đích đó. Họ muốn tìm lại những ký ức đã mất… Bởi vì năm 2046 không bao giờ có gì thay đổi… Bởi vì không ai đã từ đó trở về…”.

Với nhiều người, “ký ức nào cũng là một dấu lệ rơi…” (2046) và con người thu mình lại, gói gọn nó vào, đóng kín cánh cửa và bắt đầu sống trong nỗi cô đơn của riêng mình.

Khi xem Nhất đại tông sư (năm 2013), tôi ấn tượng với câu triết lý: “Con người trải qua ba giai đoạn: nhìn thấy bản thân mình, nhìn ra thế giới và nhìn vào chúng sinh”. Vương Gia Vệ hay bất kỳ ai cũng thế, sẽ đều trải qua ba giai đoạn đó với cô đơn và ký ức. Biết đâu, một ngày nào đó… có lẽ tôi sẽ phát hiện ra mình nên bằng lòng và sống với chúng. Giống như Cung Nhị (Chương Tử Di) từng nói: “Thực ra, đời người nếu nói không có gì nuối tiếc thì chỉ là nói nhảm. Không có nuối tiếc, đời còn gì là ý nghĩa nữa?”.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Bùi Hoài Nam Sơn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *