Điện ảnh về hà nội

Nếu những năm qua điện ảnh về đề tài Hà Nội ở mảng phim truyện nhựa đã có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, thành công về lãnh tụ, nhân dân anh hùng, về thủ đô ngàn năm văn hiến… thì hiện nay cần xây dựng hình tượng con người đương đại của thủ đô tương xứng trong các tác phẩm điện ảnh thời kỳ đổi mới và hội nhập.

        Về Hà Nội anh hùng, có 2 phim về trận Điện Biên Phủ trên không làm cách nhau gần 30 năm đều mang tính chất sử thi. Trong đó, nếu Em bé Hà Nội (1974, đạo diễn Hải Ninh) khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi Mỹ dùng pháo đài bay B.52 ném bom miền Bắc Việt Nam thì Hà Nội 12 ngày đêm (2003, đạo diễn Bùi Đình Hạc) với đề tài chiến tranh cách mạng đã giới thiệu được nghệ thuật làm phim cổ điển Việt Nam. Đều lấy bối cảnh Hà Nội năm 1972, sau Giáng sinh và đợt dội bom B52, nếu phim đầu chọn nhân vật chính là Ngọc Hà (một em gái 12 tuổi tìm kiếm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố, được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần được hội ngộ em gái) thì phim sau lại chọn thể hiện chân thực một tập thể quân dân Hà Nội hào hoa, thanh lịch nhưng rất kiên cường chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ trên bầu trời thủ đô.

Về thủ đô gắn bó với lãnh tụ trong những thời khắc lịch sử, Hà Nội mùa đông 46 (1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh) đã xây dựng hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh như một nhân vật trung tâm và đưa người xem ngược thời gian trở lại Hà Nội vào thời đoạn vô cùng căng thẳng trước ngày toàn quốc kháng chiến. Để tái hiện lịch sử và sự thật cuộc sống, các chi tiết trong phim được tận dụng hiệu quả, các tình huống được khai thác khá sâu để đạt đến một ý nghĩa mới và một tầm tư tưởng cao hơn.

Không thể không kể đến những bộ phim nặng ký về chất lượng nghệ thuật nói về giới trí thức Hà Nội. Trong đó, nếu Của rơi (2002, đạo diễn Vương Đức) thông qua từng nhân vật trí thức được chắt lọc khá tinh tế để khái quát về một lớp trí thức Hà Nội gần gũi, quen thuộc thì Đừng đốt (2010, đạo diễn Đặng Nhật Minh) lại thông qua một cuốn nhật ký nổi tiếng để kể về nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một trí thức trẻ Hà Nội tiêu biểu cho một lớp thanh niên ưu tú thời chống Mỹ với giấc mơ khắc khoải về hòa bình. Nếu phim đầu mô tả chân thực về giới trí thức Hà Nội thời bao cấp (Có nhân vật ông bán quán ăn, gã lưu manh, nhà thơ, cô tiểu thương mộ đạo… điển hình cho từng lớp người Hà Nội. Có nhân vật trí thức là một mẫu thanh niên năng động, khôn khéo, biết làm ăn, hưởng thụ và quyết liệt trong mọi vấn đề, trọng nghĩa khí, biết sống vì bạn bè, song cũng thực dụng, mưu mô và bằng mọi cách để đạt mục đích, kể cả lợi dụng chất xám của chính bạn mình. Lại có nhân vật khác là mẫu người khiến người khác phải trọng về kiến thức, nể về nhân cách, khiến người xem tin vào những giá trị của cuộc sống, vào những người tài giỏi, có tâm, có đức…) thì phim sau ngược thời gian trở về năm 1970 nơi chiến trường Quảng Ngãi vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ngoài việc mô tả cuộc sống người con gái – bác sĩ mới ngoài 20 tuổi tận tụy, quả cảm, dung lượng quan trọng của phim là về gia đình gia giáo, giàu thương yêu, sẻ chia của cô ở Hà Nội với căn hộ tập thể, mái trường đại học, ngõ phố… như một cắt nghĩa về cội nguồn sâu xa làm nên vẻ đẹp lung linh, chân dung anh hùng ngời sáng ấy.

Cùng về thế hệ tiêu biểu của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm ấy là câu chuyện đẹp với những xúc cảm lớn lao về một đôi trẻ thời bom đạn… trong phim Chiếc chìa khóa vàng (2000, đạo diễn Lê Hoàng), khi chàng trai đột ngột có giấy gọi lên đường nhập ngũ và chỉ còn một ngày để làm đám cưới với người yêu. Chỉ trong một ngày đêm, họ phải chạy đua với thời gian giữa Hà Nội đầy bom đạn để tìm chiếc chìa khóa vàng cho căn phòng hạnh phúc tân hôn. Căn phòng ấy được mở ra là khi bình minh ló dạng thì chàng trai phải lên đường, không chỉ cho thấy một lớp trẻ có thể sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mà còn cho thấy số phận, hạnh phúc của người Hà Nội đã gắn bó với độc lập dân tộc, thống nhất, hạnh phúc chung của đất nước như thế nào…mà còn cho thấy vẻ đẹp nội tâm của tuổi trẻ Hà Nội. 

Không chỉ về Hà Nội gắn với những giai đoạn lịch sử mà còn gắn với ký ức, hoài niệm, phim Mùa ổi (2001, đạo diễn Đặng Nhật Minh) đầy ẩn dụ khi kể về một người đàn ông độc thân 50 tuổi nhưng đầu óc không phát triển mà chỉ dừng lại ở tuổi 13, từng ngã khi leo lên cây ổi trong sân ngôi biệt thự cũ và mãi sống với thời thơ ấu do cú ngã đó. Mô tả cuộc sống dù nhiều đổi thay nhưng nhân vật luôn khát khao mãnh liệt để được trở về ngôi nhà xưa cùng những kỷ niệm đáng nhớ nên phim như một tiếng lòng tôn vinh giá trị của ký ức và khẳng định mối liên hệ nhân quả của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Về Hà Nội và thanh niên Hà Nội thời bao cấp, phim Hà Nội mùa chim làm tổ (1978, đạo diễn Đức Hoàn) là câu chuyện đẹp và buồn về một thời nhiều gian khó, khi đôi trẻ có mối tình đẹp và đang cùng mơ về ngày đẹp nhất trong đời mình thì những xung đột trong cuộc sống giữa cha mẹ và giữa chính họ đã đẩy họ dần xa nhau, cho thấy những vấn đề, những mâu thuẫn gia đình, xã hội, cá nhân phức tạp, đan xiên của lớp trẻ Hà Nội một thời…

Và con người Hà Nội thời đổi mới cũng được xây dựng đầy góc cạnh, phản ánh đầy đủ, đa chiều và kịp thời. Trong Tướng về hưu (1988, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư) không chỉ khắc họa đậm nét bóng dáng người Hà Nội đầu thời cơ chế thị trường và đổi mới (qua câu chuyện đau xót về những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa, một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn) mà còn phản ánh sâu sắc nhiều tình cảnh gia đình phổ biến của Hà Nội nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung lúc giao thời, sự tàn phá của “mãnh lực kim tiền” khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ.

Về Hà Nội đổi mới hội nhập, giao lưu hợp tác mà vẫn gắn với kết giữa hiện tại với quá khứ và tương lai, phim Hà Nội, Hà Nội (2006, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Lý Vỹ) dù câu chuyện không mới (hành trình đến Việt Nam tìm lại cố nhân của cô cháu gái hiếu thảo người Trung Quốc nhằm giúp bà ngoại sống nốt những ngày cuối đời trong thanh thản) nhưng những biến cố và trải nghiệm trong chuyến đi của nhân vật chính vẫn khiến người xem đủ cảm nhận, suy ngẫm không chỉ về người Hà Nội nơi phố cổ mà còn về những giao thoa văn hóa, ân tình và nhân tình thế thái sâu xa xuyên quốc gia.

Được xem là làm phim bằng con mắt người khác, đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng qua Mùa hè chiều thẳng đứng lại mô tả Hà Nội bằng và qua rất nhiều tình yêu thương, khi sáng tạo và chọn được cái khoảnh khắc thời gian tưng bừng năm, lưng chừng tháng của một ngày Hà Nội thanh khiết, nồng nàn hương sắc riêng. Không đưa ra cái kết mở mà chỉ như một lời tự sự về tình yêu, cuộc sống thông qua một khoảng đời của ba chị em Hà thành thương yêu nhau vô bờ, phim không chỉ tụng ca vẻ đẹp ngoại hình cổ điển mà còn tinh tế lần theo những cảm xúc li ti trong nội tâm của những phụ nữ Hà Nội với mối cảm tình lớn lao của một nhà làm làm phim trẻ.

Đó là chưa kể tới các phim như Tết này ai đến xông nhà (2002, đạo diễn Trần Lực), Trở về (1994, đạo diễn Đặng Nhật Minh)… với các thể loại hài hoặc tâm lý xã hội đắc địa, đều phản ánh tinh thần hài hước, khỏe khoắn hay số phận long đong, bươn chải, vượt lên cám rỗ trong cuộc sống để trở về của người Hà Nội với những phong cách làm phim riêng. Và gần đây nhất là Mùi có cháy (2012, đạo diễn Hữu Mười, phim Việt Nam cử dự Oscar 2013) do kể chân thực về một lớp trẻ Hà Nội xếp bút nghiên ra trận nên đem lại những ấn tượng đặc biệt và gây xúc động sâu xa trong lòng người xem.

Những phim trên đều đạt được thành công nhất định về nội dung và nghệ thuật. Nếu Em bé Hà Nội, Hà Nội 12 ngày đêm được làm công phu, với kỹ thuật dàn dựng nhiều bối cảnh chiến tranh thì Chiếc chìa khóa vàng, Mùi có cháy cũng có ẩn ngữ riêng khi dựng lại một Hà Nội thời chiến. Nếu Hà Nội mùa chim làm tổ có ca khúc Hoa sữa (nhạc sĩ Hồng Đăng) nhờ phim mà cất cánh thì âm nhạc trong Đừng đốt của Đồ Hồng Quân cũng giàu sức lay động. Nếu Hà Nội, Hà Nội biết khai thác thế mạnh của phim liên doanh hợp tác thì Mùa hè chiều thẳng đứng lại làm mới ngôn ngữ điện ảnh từ chất liệu cũ để tạo nên một bộ phim cuốn hút và xúc động.

Ở khía cạnh thành công khác, nếu Mùa ổi đầy hoài niệm và thời sự khi nhắc nhớ những thời điểm khó quên của đời sống kinh tế – xã hội Thủ đô với diễn xuất có nghề thì trong Của rơi, cảnh quan, đời sống, con người và một phần tâm linh của Hà Nội do được xây dựng từ một người hiểu Hà Nội nên giàu sức thuyết phục. Nếu Hà Nội mùa chim làm tổ trong khi cùng sống lại không khí của một thời, nhờ lối dẫn dắt nhẹ nhàng mà dễ thấm và lối kể chuyện đầy nữ tính nên người xem dễ lây cái buồn man mác của một mối tình dang dở thì Chiếc chìa khóa vàng để lại cảm xúc sâu sắc, khó quên khi chuyện phim được kể bằng nhiều cảnh quay lạ, sáng tạo và những cảm xúc diễn xuất chân thật. Nếu Đừng đốt chọn được những chi tiết đắt giá để toát lên tính chất khốc liệt của cuộc chiến, với lời nói, hành động của nhân vật được tiết chế tối đa đạt đến độ giản dị, tinh tế và thủ pháp so sánh, ẩn dụ được áp dụng khá thành công thì Hà Nội, Hà Nội là một phim quảng bá du lịch và hợp tác văn hóa cần ghi nhận.

Đa phần các phim về đề tài Hà Nội nói trên đều đạt giải thưởng lớn trong nước (Em bé Hà Nội, Tướng về hưu, Mùa ổi, Hà Nội Hà Nội, Đừng đốt, Mùi có cháy… đều giành Bông sen vàng tại các kỳ LHPVN), cho thấy chất lượng nghệ thuật các tác phẩm đã được thừa nhận, tài năng, tâm huyết và tình yêu Hà Nội trong các nhà làm phim tạo nên những dấu ấn đáng kể.

Nhưng phim về Hà Nội cũng còn không ít hạn chế, trong đó có hạn chế chung của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, còn rất thiếu vắng hình tượng người công nhân, nông dân trong nhiều phim, trong khi hình tượng người lao động và nhiều giai tầng khác chưa đủ sức lay động. Về nghệ thuật, trong nhiều phim trên còn thấy rõ cách kể quá cũ cũng như việc diễn giải, minh họa sự việc nhằm chứng minh cho chủ đề đã định sẵn của tác giả. Chẳng hạn Hà Nội mùa chim làm tổ còn yếu về kỹ thuật và thiếu hấp dẫn. Hay Hà Nội, Hà Nội chưa phải là một bộ phim nghệ thuật có chiều sâu, do chưa thể mang lại một sức ám ảnh cần có của một tác phẩm điện ảnh, không chỉ có nhiều chi tiết vô lý mà người xem còn thấy khó vào vì những chi tiết khoe văn hóa Việt Nam một cách gượng ép… Và đa phần các phim đề tài Hà Nội về chiến tranh cách mạng đều còn nhiều nhược điểm về dàn cảnh và kỹ thuật.

Chưa kể, trong dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010 vì nhiều ký do nên chưa có tác phẩm phim truyện nhựa tương xứng.

Vì vậy, phim về Hà Nội tới đây đòi hỏi không chỉ đa dạng mà còn cần khai thác triệt để các đề tài hay, không chỉ đề tài truyền thống mà còn các đề tài mới mẻ. Tiếp tục thành công và tránh được hạn chế của các phim trên, cần những phim mới phản ánh chân thực, sinh động về con người Hà Nội đương đại, với những vấn đề không chỉ của một thủ đô mà còn của quốc gia và rộng ra là của quốc tế, nhân loại.

Điều quan trọng là cần xây dựng hình tượng người Hà Nội, phản ánh sinh động và sâu sắc một vùng đất địa linh nhân kiệt, với bản sắc và truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa và các truyền thống tốt đẹp khác, cũng như các mặt trái (trong đó có vấn nạn như tham nhũng, sự thoái hóa, băng hoại về đạo đức, nhân văn và văn hóa…).

Bên cạnh việc xây dựng các phim về đề tài lịch sử, danh nhân Hà Nội cũng cần các tác phẩm xây dựng tương xứng hình tượng con người đương đại của Thủ đô với những vấn đề mới mẻ của thời đô thị hóa, của thời đổi mới và hội nhập…

        Điện ảnh nước ngoài cũng có nhiều phim tốt về người thủ đô, chẳng hạn như phim Người Bắc Kinh ở New York của Trung Quốc hay Matxcơva không tin những giọt nước mắt của Nga (Oscar 1980). Để khai thác đề tài Hà Nội, để phản ánh đất và người Hà Nội đương đại thành công và có những tác phẩm để đời, các nhà làm phim không thể không gắn bó máu thịt và không yêu Hà Nội bằng tình cảm thiết tha, kết hợp với tài năng nghệ thuật và những sáng tạo độc đáo của mình… Nói cách khác, để phản ánh chân thực một Hà Nội tầm vóc của thời kỳ mới càng cần các nhà làm phim giầu tính tư tưởng và tài năng… 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012

Tác giả : Vũ Ngọc Thanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *