Thơ lục bát nguyễn bính từ góc nhìn văn hóa

Phương pháp tiếp cận văn học từ quan điểm văn hóa học ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa. Trong đó, tác phẩm văn học ra đời, xác lập sự chi phối của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, luật pháp, thẩm mỹ, quan niệm về con người… Phương pháp này thiên về giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nét thời đại của tác phẩm. Trong cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, tiếng nói thi ca của Nguyễn Bính luôn đậm đà hồn quê, hồn dân tộc, hồn đất nước. Nguyễn Bính cũng viết nhiều thể thơ, trong đó, thể lục bát là thể thơ được ông viết nhiều nhất, thành công hơn cả. Trường hợp thơ lục bát Nguyễn Bính cần được nghiên cứu dưới góc nhìn văn hóa, từ phương pháp tiếp cận văn hóa học.

Nếu coi văn hóa là các thiết chế đời sống vật chất, đời sống tinh thần của con người, là các giá trị hình thành trong các mối quan hệ: ứng xử với xã hội, với thiên nhiên, với bản thân, thì phương pháp tiếp cận văn hóa học cũng dựa vào những tiêu chí tương ứng khi nghiên cứu, xem xét, đánh giá một hiện tượng văn học.

Trước hết, quan niệm về xã hội, các kiểu hình tượng xã hội trong văn học. Đó là các kiểu không gian tồn tại của con người: không gian lao động sản xuất, đấu tranh xã hội, sinh hoạt văn hóa, không gian xã hội mang màu sắc chính trị và không gian xã hội được khúc xạ qua những biểu tượng như “đất khách quê người”, “chân trời góc bể”, “cõi người ta”, “miền nhân gian”… trong văn học cổ.

Thứ hai, quan hệ của con người với thiên nhiên và các hình tượng thiên nhiên. Mọi hoạt động của con người không tách rời môi trường thiên nhiên. Thiên nhiên là người bạn, là chứng nhân cho bao nỗi vui buồn của con người. Con người vay mượn từ thiên nhiên các mẫu mực, thể hiện tất cả những gì liên quan đến con người: từ ngoại hình, dung mạo, hành vi đến đời sống nội tâm đều có thể diễn tả bằng hình ảnh thiên nhiên. Ngay quy luật vận động của thiên nhiên theo nhịp tuần hoàn cũng được sử dụng để nhận thức sự vận động của lịch sử, diễn trình cuộc sống của con người.

Thứ ba, quan niệm về con người luôn gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hình tượng con người trong văn học mang những phẩm chất gắn với một nền văn hóa nhất định. Văn hóa phương Tây lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, thế giới được nhào nặn theo mẫu hình con người. Các kiểu tả ngoại hình, tính cách, cảm xúc của con người cũng khác xa văn học cổ điển phương Đông, thường lấy thiên nhiên làm khuôn mẫu để tả người. Ở cả ba tiêu chí nói trên, nguyên tắc của phương pháp tiếp cận văn hóa học là đi tìm ảnh hưởng không chỉ của văn hóa đương thời đối với văn học, mà còn truy nguyên đến các truyền thống văn hóa của cộng đồng.

Với tư cách là một cái tôi thôn dân, gương mặt thơ ca của Nguyễn Bính được khẳng định rõ nét trong phong trào Thơ mới. Nguyễn Bính chỉ thật là Nguyễn Bính khi cái tôi trữ tình của ông có ý nghĩa điển hình cho bao tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, khát vọng của những người đã, đang và sẽ sống trong lũy tre xanh. Cái tôi của Nguyễn Bính là cái tôi nội cảm nhưng cũng là cái tôi đồng vọng của bao thời đại, bao lớp người, bao cảnh ngộ. Nguyễn Bính đã dễ dàng diễn tả tâm lý dân quê trong thơ mình, tâm lý trân trọng cội nguồn, gắn bó thủy chung với những gì mộc mạc, giản dị mà thắm thiết tình người. Qua đó, nhà thơ đã khơi gợi được những tình cảm tốt đẹp về quê hương trong lòng bạn đọc:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thày u mình với chúng mình chân quê

                                                 (Chân quê)

Nông thôn Việt Nam vốn quen thuộc với nếp sống cộng đồng làng xã. Con người ở đây được bao bọc trong những tình quê nguyên sơ, đậm đà, trong sáng: tình cảm gia đình, họ hàng, xóm giềng, bè bạn… Giữa một thiên nhiên vô tư khoáng đạt, một nhịp điệu sống bình lặng nhẹ nhàng, con người có điều kiện sống thực với bản chất của mình, yêu và ghét hết mình, bộc lộ chân thực niềm mong mỏi, mơ ước về những điều tốt đẹp, hạnh phúc. Tình quê trong thơ Nguyễn Bính nói rộng ra là tình cảm hướng về cái đẹp, cái thiện, khao khát trở về hồn cốt thiêng liêng của đời sống dân tộc. Điều quan trọng là Nguyễn Bính đã biết cách cụ thể hóa hồn quê trừu tượng bằng những biểu hiện của tình quê chân thực, đằm thắm, những nét tâm lý điển hình, gợi nên dáng dấp sinh hoạt của một thời. Một người mẹ nghèo khổ tiễn con gái về nhà chồng, một cô thôn nữ ngây thơ, e thẹn trong đêm hát chèo, một anh trai làng lo sợ, ghen bóng ghen gió khi đón người yêu đi tỉnh về, những rạo rực say mê khi mùa xuân tới, nỗi cô đơn của người hàng xóm, giấc mơ quan trạng huy hoàng ăn sâu vào tiềm thức từ gã thư sinh cho tới anh lái đò… và bao nỗi tâm tình chân chất, giản dị không khỏi làm người ta xúc động đến nao lòng.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê đói nghèo nhưng cũng là một miền quê nằm trong cái nôi của nền văn minh châu thổ sông Hồng, Nguyễn Bính đã sớm đắm mình trong không gian thôn dã, hấp thụ những giá trị văn hóa dân gian, dân tộc nơi xóm làng. Quê hương đã nhuộm thắm tâm hồn thi sĩ, ấn định bản sắc chính của một phong cách thơ “chân quê”. Nhà thơ yêu thôn quê một cách kỳ lạ, quê hương là hình ảnh không bao giờ vắng bóng trong thơ ông. Tình yêu ấy làm cho thơ Nguyễn Bính ở những câu bình dị nhất vẫn có cái duyên xao động lòng người. Ông kể về quê mình bằng những lời giản dị mà vương vương những mến yêu, xa xót:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi

 (Quê tôi)

Nguyễn Bính đã có công phát hiện vô vàn những vẻ đẹp tinh tế của thôn quê mà mắt thường không nhận ra được. Cảnh quê ở đây rất đẹp, được xây dựng từ những kỷ niệm dễ gợi cảm nhất trong tâm linh con người về một miền quê thanh bình, hạnh phúc, đẹp một cách chân thực kiểu cổ điển chỉ có trong tưởng tượng. Cuộc sống thực lam lũ, khổ đau không cho người ta sống như mong ước thì thơ là niềm khao khát, là ước nguyện của con người. Vì thế, cảnh quê trong tâm tưởng tác giả đồng thời là giấc mộng ngàn đời. Hồn Nguyễn Bính nhập với hồn quê. Thi sĩ vốn nhiều mộng tưởng nên cảnh quê của Nguyễn Bính phần mộng thường nhiều hơn phần thực, hay đấy là cái phần mộng của hồn phổ vào cảnh thực của đời? Trong thơ ông, hình ảnh làng quê thường được xây dựng từ kỷ niệm, từ cái ngày xưa, với những gì đẹp đẽ, gợi cảm nhất còn lại trong tâm linh: thôn Đoài, thôn Đông, gian nhà nhỏ, hàng cau, vườn trầu… Những cảnh ấy có ở mọi miền quê, mọi thời, chúng tạo nên những nét riêng của làng mạc Việt Nam, gợi tới những gì xa xưa, bền vững mà tâm hồn người Việt nào cũng từng cảm nhận, từng ghi nhớ. Nông thôn Việt Nam trước cách mạng khác xa nông thôn Việt Nam ngày nay nhưng lại rất gần gũi với nông thôn Việt Nam xa xưa. Đời sống như ngưng đọng lại trong lũy tre làng. Tâm tình con người được quy định bởi nền kinh tế tiểu nông khép kín, những cô gái chăn tằm, dệt vải chỉ đi từ khung cửi tới nương dâu, cô lái đò chỉ quen với một khúc sông, một cái bến… Mỗi năm, một vài lần diễn ra những sinh hoạt cổ truyền, những ngày hội lễ, những đêm hát chèo, nhưng tất cả cũng chỉ xôn xao trong sự tĩnh lặng cố hữu của thôn quê. Những điều ấy ta đều gặp lại trong thơ Nguyễn Bính. Người ta chợt thấy ngạc nhiên bởi những chất liệu quá ư thân thuộc, vốn có trong đời sống thôn quê hàng nghìn năm nay đi vào thơ lại có sức gợi cảm đến thế.

Đặc biệt, trong những bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã gợi được cái thần thái của văn hóa làng quê. Đọc thơ Nguyễn Bính, người ta như sống lại những ngày hội xuân, hội làng, những đêm hát chèo, một buổi lễ chùa, những nét tín ngưỡng tôn giáo và phong tục tập quán, lớp học thày đồ, những trò vui dân dã, cách ăn mặc và nếp sống xa xưa, giấc mơ quan trạng… Nếu ở Kinh Bắc xưa, mùa xuân là hội quan họ thì ở các làng quê Bắc Bộ, mùa xuân là ngày hội của những đêm hát chèo, cũng là mùa của các trò vui thật giản dị mà thanh thản, sảng khoái ở chốn đồng quê:

Hiu hiu gió quạt trăng đèn

Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi

Ăn gỏi cá, đánh cờ người

Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân

 (Anh về quê cũ)

Nguyễn Bính không chỉ tài hoa khi dựng cảnh những ngày hội quê mà còn rất am hiểu, khéo léo khi đặc tả những nét văn hóa làng quê qua cách ăn mặc, những nét dáng bề ngoài của người quê. Trang phục ngày thường rất mộc mạc mà duyên dáng, đáng yêu của cô gái quê in sâu trong tâm khảm của anh trai làng đang ghen bóng, ghen gió: “Nào đâu cái yếm lụa sồi?/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu cái áo tứ thân?/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?” (Chân quê).

Nguyễn Bính yêu quê hương nhưng cũng là người tha hương rất nhiều năm trong đời. Sớm tiếp xúc với cuộc sống đô thị phồn hoa nhưng cũng rất lạnh lùng khắc nghiệt. Qua những ấm lạnh tình đời, tình người nơi phương trời xa lạ, nhà thơ nhận ra bản thân mình không hòa nhập nổi nên xót xa, ân hận, tiếc nhớ khôn nguôi về một quê hương thanh bình, tuyệt vời ân nghĩa. Xa quê, cảm hứng chính của Nguyễn Bính là hoài niệm quê hương. Có một quê hương ở chốn xa xôi, một quê hương trong lòng người xa quê. Tưởng như quá vãng bị một lớp bụi mờ phủ, nhưng chỉ cần hơi gió của tình quê lay động, lớp bụi ấy bay đi, lại hiện lên nguyên vẹn chùm hoa xoan màu tím, hoa gạo đỏ tháng ba, dậu mồng tơi xanh rờn, đêm hội làng “Giời cao gió cả giăng như ban ngày”… Ai xa quê mà chẳng nhớ thương quê cũ, nhất là khi cuộc sống hiện tại xung quanh quá u ám, bế tắc, ngột ngạt. Những lời quê thấm đẫm hương đồng gió nội lại càng khiến người ta xúc động đến nao lòng. Giữa những kẻ tha hương, Nguyễn Bính đem lời quê ra kể, người ta lắng nghe không phải vì giống như thật mà vì đó là những kỷ niệm thiêng liêng về quê hương còn giữ lại trong tâm linh con người. Nhớ quê đâu chỉ là hồi tưởng về cảnh quê. Hơn thế, nhớ thương đau đớn đến quặn lòng là nỗi nhớ những người thân yêu. Tình quê của Nguyễn Bính không nhạt dần theo những năm tháng tha hương, trái lại, càng đậm đà, sâu sắc. Trong sự cọ sát với môi trường hiện đại, Nguyễn Bính đã đưa vào thơ không chỉ tâm sự của mình mà còn của xã hội đương thời, một xã hội với bao kiếp người trôi dạt, buồn thương bế tắc, bao khát khao hạnh phúc, bao tình yêu tha thiết với xứ sở quê hương.

Thơ Nguyễn Bính không bị mai một theo thời gian mà vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, dù ở bất cứ phương trời nào, bởi thi nhân đã có những khám phá độc đáo về nghệ thuật biểu hiện, tìm được con đường riêng, ngắn nhất, dễ rung cảm nhất, đến với trái tim những người đọc thơ. Đến với thơ Nguyễn Bính là đến với những hình thức dân gian dân tộc, đến với những giá trị văn hóa truyền thống của quảng đại nhân dân. Âm hưởng của văn hóa dân gian vang vọng trước hết ở thể lục bát, thể loại điển hình nhất của ca dao, dân ca. Với sự tuần hoàn đều đặn của hai câu sáu – tám, với vần chân và vần lưng bao giờ cũng hiệp vần theo thanh bằng, thể thơ này rất thích hợp cho giọng kể lể, tâm sự, những nỗi niềm buồn đau, thương xót, bâng khuâng nhớ nhung. Nguyễn Bính là người của cảnh quê, hồn quê nên việc thi nhân sử dụng rất nhuần nhuyễn, điêu luyện thể thơ lục bát là điều tất yếu. Nếu lục bát ca dao mang vẻ tươi thắm của chất trữ tình đồng quê, lục bát Truyện Kiều rất mềm mại, uyển chuyển thì những bài thơ lục bát của Nguyễn Bính như Lỡ bước sang ngang, Chân quê, Người hàng xóm, Tương tư, Đêm cuối cùng, Chờ nhau, Giấc mơ anh lái đò… vừa thanh thoát, gợi cảm, vừa trau chuốt, điêu luyện. Trong những sáng tác thi ca của Nguyễn Bính trước cách mạng, thể lục bát chiếm số lượng tới 45%.

Thơ Nguyễn Bính cũng thường là giọng kể lể, tâm sự của thơ ca dân gian. Từ xa xưa, dù yêu thương hay căm ghét, những con người của đồng quê đều mạnh dạn bày tỏ, phơi trải lòng mình công khai. Điều đó gợi cảm giác gần gũi, tin cậy giữa người kể và người nghe. Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính như những câu chuyện nhỏ, những kỷ niệm thú vị và hấp dẫn, những nỗi buồn thương day dứt, trong đó giọng kể chuyện rõ nhất ở các bài thơ: Lỡ bước sang ngang, Cô gái vườn Thanh. Dù nói về mình hay thác lời cho bao số phận khác, bao giờ Nguyễn Bính cũng muốn thanh minh, lý giải, biện hộ cho những tình cảm phức tạp, tốt đẹp của con người mà không phải ai cũng thấu tỏ.

Đặc biệt, Nguyễn Bính đã phát huy cao độ sự uyển chuyển, mềm mại, giàu nhạc điệu của thể lục bát với phong cách thơ mộc mạc, đằm thắm, dịu dàng. Nhà thơ thường dùng cách ngắt nhịp chẵn: 2/2/2, 2/2/2/2 của truyền thống; cách ngắt nhịp này tạo âm hưởng trầm buồn tha thiết: “Mẹ già/ một nắng/ hai sương – Chị đi/ một bước/ trăm đường/ xót xa” (Lỡ bước sang ngang). Nguyễn Bính đã phát huy được cái tinh hoa của lục bát truyền thống là hiệp vần nhất loạt vào chữ thứ sáu của câu bát, chứ không gieo vần vào chữ thứ của câu bát, bởi kiểu gieo vần ấy có phần nặng nề và thô: “Từ ngày Tự Đức lên ngôi – Cơm chẳng đầy nồi, trẻ khóc như ri”. Nguyễn Bính gieo vần ở chữ thứ sáu, câu bát tạo nên cách diễn đạt chuẩn mực, tinh tế:

Lòng tôi rối những tơ đàn

Cao vời những ước, đầy tràn những mơ

 (Tình tôi)

Thể lục bát vốn là thể thơ điển hình của ca dao, dân ca, Nguyễn Bính cũng như các nhà thơ mới trong quá trình tiếp thu, vận dụng đã có những cách tân về nhiều phương diện, tạo nên những thành công đáng kể. Chiếm một số lượng lớn trong sáng tác của Nguyễn Bính ở thời kỳ trước cách mạng, thơ lục bát hiện đại của Nguyễn Bính hầu như được thiết lập trên hình thức của thơ ca dân gian. Nguyễn Bính đã mang thi pháp của thơ ca dân gian vào trong thơ hiện đại, khiến nhiều bài thơ lục bát của ông có cấu trúc thơ đa nghĩa lại dựa trên thi pháp mang tính giản dị, cụ thể của thơ dân gian. Sự trở về với ca dao ở nhiều bài thơ lục bát không chỉ làm sống dậy cái đẹp của ca dao trong nguyên thể của nó mà còn là một phương thức để Nguyễn Bính biểu hiện những tình ý mới mẻ của xã hội đương thời.

Với phương pháp tiếp cận văn hóa học, có thể thấy ở thể thơ lục bát, với những sáng tạo độc đáo của mình, Nguyễn Bính đã mang đến cho thơ Việt Nam hiện đại một dáng vẻ mới, một sinh lực mới và một sự đa dạng mới không phủ nhận được. Cùng với những tìm tòi sáng tạo trên nhiều yếu tố ở phương diện nghệ thuật của thơ ca, Nguyễn Bính đã trở thành “một nhành hoa trong vườn hoa cách tân của Thơ mới” (Tô Hoài). Thành tựu ấy đã thực sự phản ánh quy luật vận động không ngừng của một cây bút thơ ca có phong cách để khẳng định vị thế của mình trong một trào lưu thơ ca đã trở thành dấu ấn của một thời đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TRẦN VĂN TRỌNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *