Nguyễn tuân trong lịch sử nghiên cứu, phê bình văn học

Nguyễn Tuân là một tác gia lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông được tôn vinh là ông vua tùy bút, là nhà văn bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ, là nhà nghệ sĩ ngôn từ đã đưa cái đẹp thăng hoa, là cây bút tài hoa, độc đáo, là người săn tìm cái đẹp…

Sáng tác của Nguyễn Tuân có tầm ảnh hưởng rất lớn, song lại cũng rất phức tạp trong việc đánh giá, tiếp nhận nó. Nhiều tác phẩm ở thời điểm này thì được khen nhưng ở thời điểm khác lại bị chê, có nhiều người yêu thích văn ông nhưng lại cũng lắm người thờ ơ. Những điều như vậy, không chỉ có nguyên nhân từ phía tác phẩm hay tác giả, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tâm lý, nhận thức của người đọc, yêu cầu của xã hội, phương pháp và động cơ tiếp nhận…

Quá trình nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Tuân luôn là quá trình mở, để ngỏ. Mỗi thế hệ độc giả trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể với những phương pháp tiếp cận, tầm đón nhận của thời đại khác nhau lại sẽ khám phá ra những giá trị mới trong cấu trúc nghệ thuật đa trị và đa nghĩa của Nguyễn Tuân. Có những ý nghĩa phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của thời đại thì được đề cao, còn ngược lại thì bị xem nhẹ, thậm chí phê phán. Tác phẩm Nguyễn Tuân có số phận lịch sử nhiều thăng trầm nhưng ngày càng đi đến sự khẳng định những giá trị bền vững.

Các tác phẩm viết trước 1945 của Nguyễn Tuân, lúc mới ra đời rất được ca ngợi, nhưng sau năm 1945 thì tầm đón nhận thay đổi, ở miền Bắc xu hướng phủ nhận là chính, còn ở miền Nam lại tiếp tục được khẳng định. Sau khi nước thống nhất, quán tính của nghiên cứu, phê bình trước 1975 vẫn tồn tại, phải từ sau 1981, tầm đón nhận mới mới dần được xác lập, các tác phẩm viết giai đoạn này được đánh giá cao trở lại và khám phá thêm nhiều giá trị mới.

Các tác phẩm Nguyễn Tuân viết sau 1945 không có được sự thống nhất trong đánh giá. Một số tác phẩm như Phở, Tình rừng, Tờ hoa… khi mới ra đời, giá trị thẩm mỹ của chúng không phù hợp với thời đại nên bị phủ nhận, coi là “có vấn đề”. Phải sau 1981, nhất là sau 1987, thì những tác phẩm trên mới được khẳng định giá trị và đã khám phá được nhiều ý nghĩa mới và sâu sắc. Một số tác phẩm khác của Nguyễn Tuân như Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi tương đối phù hợp với đường lối cách mạng, tức giá trị thẩm mỹ phù hợp với thời đại, nên được đề cao.

         Trong suốt hành trình phê bình tác phẩm của Nguyễn Tuân, chỉ khi nào nghiên cứu, phê bình tìm hiểu những giá trị nghệ thuật, xuất phát từ đặc trưng của văn chương sẽ khám phá được nhiều giá trị thẩm mỹ, bản chất nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo. Các góc nhìn chú trọng đến mặt phản ánh xã hội, tác động xã hội đã không phát hiện được nhiều vẻ đẹp của văn chương Nguyễn Tuân. Bởi Nguyễn Tuân cũng quan niệm văn chương là để nói lên những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật, rồi qua đó mà người đọc tự định hướng thẩm mỹ cho mình chứ văn chương không giảng giải đạo đức như đạo đức học. Như nhà mỹ học Tudor Vianu từng nói: “Giá trị đạo đức tự ý phát sinh trong sự tiếp nhận giá trị thẩm mỹ”(1), hay như nhà văn Nga, Dostoievski cũng từng khẳng định: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Mà một số nhà phê bình lại coi chức năng phản ánh và tác động xã hội một cách máy móc nên đã tự tạo khoảng cách thẩm mỹ với các tác phẩm Nguyễn Tuân. Cách đánh giá dung tục như vậy chỉ diễn ra trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Hiện nay, phần đông các nhà nghiên cứu văn học nhìn nhận mặt phản ánh và tác động của văn học gần với bản chất nghệ thuật hơn, nên khoảng cách thẩm mỹ với các tác phẩm Nguyễn Tuân được thu hẹp dần. Đây là hướng đi đúng đắn, được các nhà nghiên cứu, phê bình ngày càng chú trọng hơn.

Ngày nay, thẳng thắn nhìn lại cả hành trình nghiên cứu, phê bình tác phẩm Nguyễn Tuân, chúng ta nhận thấy ngân hàng các tác phẩm trước cách mạng giàu có hơn, được nhiều nhà phê bình gửi vốn vào hơn. Các góc nhìn mới, các phương pháp nghiên cứu hiện đại phát hiện được nhiều vẻ đẹp trong các tác phẩm ở giai đoạn trước hơn. Vang bóng một thời còn vang bóng mãi mãi như nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu.

         Các tác phẩm của Nguyễn Tuân về cơ bản không thuộc loại dễ tiếp nhận mà thuộc loại khó đọc, độc giả quen thuộc thường không nhiều. Lớp độc giả tinh hoa, có uy tín trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, có sự chuẩn bị kỹ càng, được giáo dục về văn hóa, nghệ thuật nên họ phát hiện được nhiều cái hay, cái đẹp hơn. Họ đã khẳng định tác phẩm của Nguyễn Tuân đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, khẳng định được giá trị nghệ thuật, đã vượt thoát được nghệ thuật “nấu ăn”, “giải trí”. Các nhà phê bình phát hiện được nhiều giá trị của tác phẩm và phổ biến rộng rãi cho những độc giả bình thường đến với tác phẩm Nguyễn Tuân được dễ dàng hơn. Nhất là trong thời đại ngày nay, người đọc trẻ tuổi rất ít người cảm nhận được cái hay của văn chương Nguyễn Tuân bởi họ sống trong xã hội có tốc độ nhanh, họ ít muốn đọc một cách chậm trãi từng câu, từng chữ như văn cụ Nguyễn. Như vậy, các nhà phê bình đã nối dài ý nghĩa để tác phẩm Nguyễn Tuân được phổ biến rộng rãi hơn.

Lịch sử nghiên cứu, phê bình tác phẩm Nguyễn Tuân là quá trình nhận thức, khám phá và khẳng định giá trị của tác phẩm, đồng thời nó cũng là hành trình loại bỏ những cách tiếp cận phiến diện, máy móc về tác phẩm của ông. Ở mỗi thời đại có những lát cắt riêng, chân lý tác phẩm chỉ là tương đối, là sự đối thoại, sự cộng hưởng giữa tác phẩm với nhà phê bình, với thời đại trong từng thời điểm lịch sử cụ thể. Trải qua thời gian, với nhiều thăng trầm, nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm của cụ Nguyễn không bị lu mờ mà ngày càng rực rỡ.

Cùng với thời gian, người đọc tương lai sẽ phát hiện ra những tầng vỉa ý nghĩa mới, làm giàu có thêm sự độc đáo, tinh tế và tài hoa trong tác phẩm Nguyễn Tuân. Tác phẩm của Nguyễn Tuân sẽ là một trong số không nhiều hiện tượng bất tử, như nhận xét của Phan Ngọc: sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân, “ngày hôm nay ta đã biết nó là bất tử”(2).

_______________

1. Dẫn theo Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, Nguyễn Văn Dân biên tập và giới thiệu, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr.54.

            2. Phan Ngọc, Nguyễn Tuân, quá trình chuyển biến một phong cách, trong sách Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1987, tr.230.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Vũ Đình Anh

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *