Chất thiêng trong nghệ thuật âm nhạc chăm

Người Chăm ở miền Trung Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, đa dạng, phong phú cả về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán và các loại hình nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống của người Chăm là một giá trị văn hóa đặc sắc, cấu thành và làm nên sự nổi trội của nền văn hóa này.

Nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống của người Chăm không chỉ được phục vụ, trình diễn trong lễ hội truyền thống, mà còn được giới thiệu, biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật, sóng phát thanh, đài truyền hình, hội diễn, hội thao… Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn và phát huy, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn tùy tiện, lạm dụng thái quá, không phân biệt rạch ròi giữa nghệ thuật phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo và nghệ thuật phục vụ cho sinh hoạt, giải trí đời thường. Điều đó vô tình tạo nên nhiều hiện tượng nghệ thuật không phù hợp với các giá trị truyền thống Chăm. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về chất thiêng trong nghệ thuật âm nhạc Chăm, thể hiện ở hai khía cạnh: dân nhạc (ca nhạc) và dân vũ (múa).

1. Chất thiêng trong dân nhạc

Người Chăm đã sáng tạo ra rất nhiều bài hát, thường được sử dụng trong các dịp nghi lễ, hội hè của cộng đồng. Có thể tạm chia dân ca Chăm là bốn loại chính: các bài hát lễ, thánh ca, thường được hát trong các lễ tục, để kể tiểu sử và ca ngợi công trạng của các vị thần; hát giao duyên, đối đáp, thường dùng cho các cặp nam, nữ với nội dung diễn tả tình yêu đôi lứa; hát vãi chài, miêu tả hoạt động lao động sản xuất, thường được hát trong lễ raja proang; hát ngâm truyện thơ, tương tự như ngâm thơ của người Việt và hát kể sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, cao nguyên Trường Sơn Nam (1)…

Trong các lễ tục, âm nhạc Chăm, cụ thể là các bài khấn ca của thày kadhar, maduen trở thành lời ngợi ca thần linh, thể hiện sự tin phục, tưởng nhớ đối với những vị thần, đấng siêu nhiên có công khai mở trời đất, dạy dân dệt vải, nuôi tằm, lao động sản xuất, khai mương, đắp đập, làm thủy lợi… Theo thống kê của Sakaya, người Chăm có khoảng 75 bài hát lễ về các vị thần trong lễ hội, thường được chia ra làm ba phần: phần mở đầu là hát thỉnh mời các thần; phần giữa là hát về tiểu sử, công trạng các vị thần; phần cuối hát tiễn các thần về thượng giới đồng thời cầu khấn, mong sự độ trì của các thần (2).

Các bài hát lễ này cũng được phân ra làm hai nhóm, với các đặc điểm khác nhau: một là các bài hát của thày kadhar, hai là bài hát của thày maduen. Lối văn trong các bài hát lễ của thày kadhar là lối văn biền ngẫu, gieo vần lưng, mỗi câu đều đối về số chữ âm thanh, giai điệu bài hát trầm buồn, mang tính tự sự. Còn lối văn trong các bài do thày maduen hát lại theo thể tự do, gieo vần lưng, đi từng cặp đôi, có cặp câu 5 – 7 từ hoặc 6 – 9 trở lên, mang tính chất sôi động, giục giã (3). Về chức năng, các bài hát lễ của thày kadhar thường vang lên trong những nghi lễ ở đền tháp như katé, chabun, lễ puis, payak…; trong khi đó các bài hát lễ của thày maduen thường được hát trong các dịp lễ raja như raja nagar, raja proang, raja harei, raja dayep.

Chính vì tính chất linh thiêng của các bài hát lễ, mà người chủ lễ, hát lễ trong các nghi lễ này phải là những vị có chức sắc, với hệ thống phẩm cấp nhất định, có trang phục riêng, phải kiêng cữ trong đời sống và thực hiện những nghi lễ khi muốn vào hệ thống hay lên cấp, lên chức (4). Bên cạnh đó, các loại nhạc cụ cũng là yếu tố quan trọng trong cấu thành hệ thống nhạc lễ Chăm. Đàn rabap thường do thày kadhar sử dụng, trở thành vật tổ của hệ phái kadhar. Trống baranang thường do thày maduen vỗ trong các nghi lễ, nên trở thành vật tổ của thày maduen, xuất hiện trong gian thờ tổ ở các lễ raja (5). Như vậy, đàn rabap, trống baranang, không còn là những nhạc cụ đơn thuần, mà đã trở thành phương tiện giao kết với thần linh, âm thanh của nó đã đánh thức cả giới linh thiêng.

Đàn kanhi là một loại nhạc cụ chuyên được sử dụng trong đám tang của người Chăm Ahier, thường được gọi là Chăm Bàlamôn. Người ta thường lầm giữa đàn kanhi với đàn rabap, vì chúng có cấu tạo gần giống nhau, đều là đàn nhị. Nhưng trong thực tế, dây kéo của kanhi căng hơn, thường được các nghệ nhân tấu trong lễ tang, kể lại vòng đời người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi và được đầu thai ở kiếp khác. Bài tang ca được vang lên với giai điệu trầm buồn, u uất nhưng linh thiêng, đưa người nghe thoát ra khỏi cõi trần tục, đưa tiễn linh hồn người quá cố sang thế giới bên kia. Còn rabap do thày kadhar đàn trong các lễ hội.


 Người Chăm chơi nhạc cụ truyền thống. Ảnh Phạm Lự 

2. Chất thiêng trong dân vũ

Dân vũ của người Chăm cũng rất phong phú, đa dạng về nội dung, thể loại. Những điệu múa Chăm thường thấy là múa roi, múa kiếm, múa chèo thuyền, múa đạp lửa… do thày ka-ing (thày bóng) thực hiện trong lễ raja nagar, raja harei; các điệu múa ru con, múa ngậm lửa, múa thoát y, múa phồn thực do muk pajau (bà bóng) thực hiện trong các lễ puis, payak; múa chim trĩ, múa hoàng tử, đánh đu, múa khây trầu… do muk raja (vũ sư) thực hiện trong lễ raja proang, raja dayuap. Ngoài ra, còn có các điệu múa tập thể trong sinh hoạt nghệ thuật đời thường như múa quạt, múa đội lu, múa khăn…

Nói đến những điệu múa Chăm có tính chất linh thiêng, người ta thường nói ngay đến các điệu múa dâng thần, múa nghi lễ thường xuất hiện trong các lễ tục phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Chủ đề của các điệu múa thiêng thường gắn với việc tái hiện hình ảnh thần linh theo Saman giáo (lên đồng, múa bóng), nguyện cầu cuộc sống bình an, mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang… Như đã nêu, các điệu múa tín ngưỡng thường được biểu diễn trong lễ raja, puis, rayak. Đây là những điệu múa linh thiêng, bắt buộc phải do những chức sắc như ông ka-ing, bà raja, pajau thực hiện. Cũng như thày maduen, kadhar, họ phải kiêng cữ trong đời sống và phải thực hiện các nghi thức thụ phong nếu muốn tham gia múa lễ trong các dịp raja của cộng đồng.

Thày ka-ing thường thực hiện các điệu múa trong nghi lễ raja nagar và rija harei, khi thày maduen vỗ trống baranang, hát lễ, những điệu múa được phụ họa bởi một dàn nhạc gồm kèn saranai, một cặp trống ginang… Những điệu múa tái hiện hình ảnh của các vị thần, khi mà thày maduen hát đến vị thần nào, thày ka-ing múa tương ứng theo hình ảnh vị thần đó. Vì vậy, các vị thần có các điệu múa lễ với các đạo cụ khác nhau. Chẳng hạn, khi múa về thần Po Tang, Po Gahlau thì múa nhịp chân, sử dụng quạt hoặc khăn màu đỏ; khi múa về Po Riyak, Po Tang Ahoak thì múa chèo thuyền; múa về thần Haniim Par thì lúc đầu múa nhồn chân, sau đó múa đạp lửa, tức là đạp tắt đống lửa bên ngoài nhà lễ, nhằm xua đi những xấu xa, nắng hạn trong năm.

Bên cạnh thày hát lễ, vỗ trống maduen, muk raja hay vũ sư cũng là một chức sắc dân gian, thường thực hiện các điệu múa trong lễ raja proang, raja dayep. Trong lễ raja proang, mở đầu là lễ pok raja (tôn chức vũ sư) cho bà raja, sau đó bà mới thực hiện các lễ múa mừng bằng các điệu múa hoàng tử, múa đội khây trầu, múa đánh đu… Bên cạnh bà raja, đội ngũ chức sắc dân gian thực hiện các điệu múa lễ còn có bà pajau (bà bóng) thường xuất hiện trong các lễ puis, payak cùng với các thày kadhar, trong những dịp này bà pajau chủ yếu thực hiện các điệu múa ngậm lửa, múa ru con, múa cho con ăn… Ngoài ra, bà pajau còn thực hiện điệu múa phồn thực với một người đàn ông trong lễ raja nagar, lễ cúng đền Po Ina Nagar Hamu Kút ở thôn Bỉnh Nghĩa (Ninh Thuận) (6).

Như vậy, nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống Chăm luôn bao gồm hai bộ phận rõ rệt, tương ứng với nội dung, tính chất và ý nghĩa khác nhau: một là ca múa nhạc phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo trong các lễ tục; hai là ca múa nhạc trong đời thường, chủ yếu đáp ứng nhu cầu giải trí trong các hoạt động cộng đồng hoặc biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật. Trước đây, người Chăm không bao giờ sử dụng các bài hát lễ, điệu múa lễ, nhạc cụ thiêng trong các hoạt động văn nghệ giải trí đời thường và cũng không múa, hát tập thể, sử dụng các nhạc cụ thông thường ở những chốn linh thiêng.

Hiện nay, xuất hiện hiện tượng sử dụng các giá trị ca múa nhạc linh thiêng một cách tùy tiện trong hoạt động văn nghệ cộng đồng, không liên quan đến tâm linh. Điển hình như việc sử dụng trống baranang trong các điệu múa tập thể, người múa vừa cầm trống, vừa nhảy múa, vừa nhào lộn, leo trèo làm mất đi tính thiêng của baranang, một nhạc cụ chỉ được sử dụng trong lễ hội, mà người sử dụng phải là một chức sắc chứ không phải là nghệ nhân thông thường. Do vậy, cần hạn chế việc sử dụng hình ảnh các chức sắc, các điệu múa, bài hát và đạo cụ thiêng trong các hoạt động văn nghệ, biểu diễn quần chúng. Các động tác nhảy múa chủ yếu nhằm tái hiện các lễ tục nên sân khấu hóa phải đúng bản chất, nội dung, quy trình nghi lễ.

Sự nhận diện, phân định rõ ràng giữa chất thiêng liêng và trần tục trong nghệ thuật ca múa truyền thống Chăm là việc làm hết sức cấn thiết, góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc, giúp mọi người hiểu thêm bản chất, ý nghĩa của nền nghệ thuật Chăm.

___________

1. Sakaya, Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2010, tr.594.

2, 3. Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Chăm pa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.377, 384.

4. Đổng Văn Dinh, Hệ thống chức sắc trong tín ngưỡng tôn giáo và vai trò của nó trong đời sống của người Chăm Ninh Thuận, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 7-2007, tr.37.

5. Đình Hy, Trượng Tốn, Nhạc cụ truyền thống của tộc người Chăm, Sở VHTT Ninh Thuận, 1996, tr.53-69.

6. Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.106 – 108.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : ĐỒNG THÀNH DANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *