Mã la của người raglai

Mã la, một loại nhạc cụ gõ bằng đồng độc đáo của người Raglai ở miền núi phía tây các tỉnh cực nam Trung Bộ, cần được đặt nằm chung trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được sưu tầm, nghiên cứu bổ sung vào hồ sơ văn hóa cồng chiêng Việt Nam.

1. Raglai, một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

Nói đến các dân tộc Tây Nguyên, người ta thường nghĩ đến các dân tộc thiểu số sống ở 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Nông. Thực ra đây mới chỉ là địa giới lãnh thổ hành chính, không phải là địa giới văn hóa. Nếu nói về địa giới văn hóa, các dân tộc Tây Nguyên và văn hóa của họ phải bao gồm cả các dân tộc cư trú ở phía tây các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Phước. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã đúng khi sưu tầm sử thi các dân tộc Tây Nguyên không chỉ ở 4 tỉnh Tây Nguyên mà cả ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ vậy, đã phát hiện được kho tàng sử thi quý báu, khá đồ sộ của các dân tộc ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, trong đó có dân tộc Raglai.

Raglai là một trong 5 tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesia ở Việt Nam. Tên tộc người này được các tài liệu phiên âm và dùng các ký tự khác nhau như: Raglai, Radlai, Oranglai, Roglai, Rắclây. Người Raglai nói tiếng Raglai, một ngôn ngữ trong ngữ chi Malay – Polynesia thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo.

Người Raglai cư trú ở vùng núi cao, dọc triền đông cuối dãy Trường Sơn ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Điều kiện giao thông, đi lại vùng này rất khó khăn nên văn hóa truyền thống của người Raglai chưa được nghiên cứu nhiều. Người Raglai không có chữ viết nên tư liệu thành văn cổ hầu như không có. Những tài liệu nghiên cứu về văn hóa Raglai của các nhà khoa học trong và ngoài nước rất ít, có thể nói là ít nhất trong 5 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinesien ở Việt Nam.

Dân tộc Raglai cư trú khá tập trung, sinh sống độc lập ở các triền núi phía tây thuộc 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Raglai ở Việt Nam có số dân là 122.245 người, trong đó, Ninh Thuận có 58.911 người (chiếm 48,2%), Khánh Hòa 45.915 người (chiếm 37,6%), Bình Thuận 15.440 người và Lâm Đồng 1.517 người. Là  một trong các dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ  Malayo – Polinesien, cùng với các dân tộc Ê đê, Gia rai, Chu ru, dân tộc Raglai mang đầy đủ trên mình các sắc thái văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

2. Mã la – một nhạc cụ có đóng góp quan trọng trong văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Cấu trúc nhạc cụ mã la

Mã la (mả la hay ma la) là tên của người khác đặt cho một loại nhạc cụ gõ bằng đồng của người Raglai. Có thể vì loại nhạc cụ này thường được sử dụng nhiều trong lễ bỏ mả (bỏ ma) nên được gọi là ma la, sau này gọi khác đi thành mã la. Còn người Raglai gọi mã la là char, là một loại nhạc cụ cồng chiêng không có núm, các dân tộc ở cao nguyên gọi là chiêng bằng.

Trong vùng đồng bào Raglai sinh sống, hầu như không làng (palơi) nào là không có mã la. Làng nhiều nhất (theo số liệu điều tra của Sở VHTTDL Ninh Thuận) là làng Kamau, xã Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận, có trên 30 bộ mã la. Mã la được sử dụng theo bộ. Mỗi bộ có ít nhất là 2 chiếc, gọi là mã la mẹ con (ina – ana). Bộ mã la 4 chiếc thì có tên 1 mẹ và 3 con: con trưởng, con giữa, con út. Nhiều vùng có các bộ mã la 7, 9 hoặc 12 chiếc. Những bộ mã la nhiều chiếc thì có nhiều mẹ: mã la mẹ cả, mã la mẹ hai, mã la mẹ ba… Gọi là mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba không có nghĩa do một ông chồng lấy nhiều vợ. Mẹ cả (ina mul) ở đây được hiểu là bà tộc trưởng đã có chồng và con, là người có quyền thế cao nhất. Các mẹ khác là em ruột của mẹ cả nhưng các con phải gọi bằng mẹ. Trong gia đình mẫu hệ truyền thống của người Raglai, bà trưởng tộc, mẹ và con gái út là những người quan trọng nhất. Vì vậy, trong bộ mã la, thường có 3 chiếc mã la có chung tên (mẫu hệ) với thứ bậc khác nhau: ina mul (mẹ lớn – bà trưởng tộc); ina ru wơ (mẹ ru wơ) và ana tuluih (con gái út). Ngoài ra, trong bộ mã la còn có rất nhiều con. Đây cũng là một sự thể hiện của chế độ mẫu hệ Raglai. Khác với bộ cồng chiêng Tây Nguyên, cồng lớn có vai trò giữ nhịp, còn ở bộ mã la Raglai, chiếc mã la mẹ là người cất tiếng đầu tiên của bài nhạc và có vai trò giữ nhịp chính, các mã la con gái hòa theo. Nếu là bộ mã la nhiều mẹ thì mã la mẹ cả sẽ đảm nhiệm vai trò này.

Mã la là một loại nhạc cụ thiêng do tổ tiên ông bà để lại, người Raglai thường gọi là mã la ông bà. Mỗi lần lấy xuống để sử dụng đều phải làm lễ cúng. Hầu như làng Raglai nào cũng có nhiều nghệ nhân biết đánh mã la. Do nhu cầu nghi lễ, trong lễ bỏ mả phải có nhiều người biết đánh mã la, vì lễ kéo dài đến 3 ngày đêm nên luôn phải có nghệ nhân thay thế. Luyện tập mã la cũng rất công phu. Nghệ nhân phải thuộc bài bản, phải biết kết hợp giữa tay đánh (mã la đánh bằng gan bàn tay phải khi nắm lại) và bàn tay trái phải điều tiết độ vang, các âm sắc, trường độ. Mỗi bài bản mã la đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mã la, đòi hỏi sự truyền dạy và khổ luyện lâu dài giữa các thế hệ nghệ nhân.

Hình thức diễn tấu

Mã la thường được dùng trong các lễ hội tiêu biểu của người Raglai như lễ ăn đầu lúa và lễ bỏ mả. Hiện nay, đã sưu tầm được gần 100 bài bản mã la, mỗi bài đều có tên gọi riêng. Trong đó, chỉ có khoảng 5 – 6 bài nhạc lễ mang tính thiêng dùng trong phần lễ, còn lại chủ yếu dùng trong phần hội.

Cách biểu diễn mã la của người Raglai cũng rất độc đáo. Số lượng người biểu diễn phụ thuộc vào số lượng của bộ mã la. Đa số các nghệ nhân sử dụng mã la là đàn ông, nhưng cũng có làng có những đội mã la do phụ nữ sử dụng. Xưa kia, mã la chỉ được sử dụng theo một bộ chỉ có mã la. Ngày nay, phát triển từ phong trào văn nghệ quần chúng, hòa cùng mã la còn có người thổi khèn bầu (taraken) và đánh trống đeo (sagơr) và dàn múa nữ. Sau khi mã la mẹ cả lên tiếng, khởi nhịp là đến mã la mẹ ru wơ, tiếp đến theo thứ tự cho đến mã la con gái út rồi cả dàn mã la hòa quyện vào nhau theo từng làn điệu. Khi tiếng mã la cất lên, các nghệ nhân bắt đầu khom lưng, hướng đầu về phía trước, ôm mã la trước bụng vừa đi ngược chiều kim đồng hồ, vừa múa, dùng phần mềm của gan bàn tay nắm lại gõ vào mặt ngoài của mã la. Đặc trưng riêng có của người diễn tấu mã la là cúi khom người, chân bước chậm rãi nhưng lắc mông nhanh hay chậm theo từng tiết nhịp. Tất cả âm sắc, trường độ, cao độ, âm bồi, âm tắc, độ vang đều do bàn tay để ở phần bụng (phần bên trong) của mã la điều khiển.

Trong số gần 100 bài mã la, có 3 bài độc đáo, giữ những chủ đề âm nhạc chính của các điệu mã la Raglai. Đó là các bài: ru wơ, ru wơ poriyu chrao và atok pakrup. Nét độc đáo của các bài bản mã la là nội dung các câu chuyện Raglai được kể bằng nhạc không lời. Ví dụ bài mã la Chip Lugo kể về một đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau, lén lút vụng trộm đến với nhau rồi cùng chết đi, biến thành đôi chim chuông, bài mã la Kalak Toah ia (con ó đi tìm nước) là một câu chuyện cổ tích giữa con gà và con ó. Có những bài mã la là những tiếng kêu gọi nhau về đêm giữa hai đầu núi, giữa các palơi, có những bài mã la mang tính chất đối đáp, tâm sự giữa hai người. Giá trị âm nhạc của bộ cồng chiêng (mã la) từ bao đời nay của người Raglai nằm ở chỗ luôn là tiếng lòng, thước đo tình cảm của người sử dụng. Những điều gì không nói được bằng lời, người Raglai phải dùng đến âm thanh của một loại nhạc cụ gõ bằng đồng, lúc bổng lúc trầm, lúc thủ thỉ tâm sự, lúc giận dữ, ức chế hoặc trào lên hừng hực niềm khát vọng. Có những bài mã la mang tính chất tín hiệu thông tin như báo tin trong nhà, trong làng có người chết, có giông lốc, lũ quét… Trong các nghi lễ truyền thống, nhất là trong lễ bỏ mả của người Raglai không thể thiếu mã la. Trong quá trình thực hành lễ, mã la đóng vai trò chủ đạo về thông tin hai chiều với thế giới thần linh. Sau khi các phần lễ kết thúc, mã la đảm nhận phần hội bằng các làn điệu sôi nổi, vui tươi cùng với sự chếnh choáng say của rượu cần và nhảy múa. Khi đã kết thúc cả phần lễ lẫn phần hội, bà con trong làng đã ra về, chỉ còn lại những người trong dòng tộc, mã la lại thay cho tiếng nói trao đổi giữa các thành viên, giữa các anh chị em, giữa nhà vợ và nhà chồng về việc tổ chức lễ như vậy được chưa, hài lòng hay chưa hài lòng, những điềm lành, điềm dữ… và những điều không nói được bằng lời khác.

3. Chiêng (ceng)

Ngoài bộ mã la là chủ đạo, trong dàn nhạc Raglai còn có nhạc cụ bằng đồng khác chiêng nhưng không phổ biến nhiều. Khác với mã la (không có núm và đánh bằng nắm tay), chiêng là loại nhạc cụ có núm và đánh bằng dùi. Bộ chiêng của người Raglai thường có 3 chiếc theo 3 cấp độ: chiêng đại, chiêng trung và chiêng tiểu. Người Raglai cũng gọi là chiêng mẹ (ina), chiêng con (ana) và chiêng con út (ana tuluih). Bộ chiêng Raglai thường được sử dụng trong một dàn nhạc với khèn bầu và trống.

Mã la là nhạc cụ gõ bằng đồng trong di sản văn nghệ dân gian của người Raglai, có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có nhiều nét khác biệt với các loại nhạc cụ gõ bằng đồng của các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Hệ thống nhạc cụ gõ bằng đồng của người Raglai nói riêng, của các dân tộc cư trú phía đông 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung cần được đặt nằm chung trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và được nghiên cứu, sưu tầm để bổ sung vào hồ sơ văn hóa cồng chiêng Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : PHAN QUỐC ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *