Khí nhạc dân tộc đương đại

Âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng không phải là những giá trị bất biến mà nó thay đổi liên tục theo nhu cầu của con người, thời đại. Trước sự lấn át của âm nhạc nước ngoài như hiện nay, chúng ta phải có phương hướng thích hợp trong kế thừa, phát huy nền âm nhạc dân tộc, đặc biệt, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sáng tác những tác phẩm cho nhạc khí, thể hiện nhu cầu của nền âm nhạc đương đại.


1. Những sáng tác sau cách mạng tháng Tám

Nhiều tác phẩm độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đã trở nên quen thuộc, đi vào các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, truyền thanh, truyền hình, nhạc phim tài liệu, phim thời sự, và là chương trình đào tạo chính quy của các nhạc viện, học viện âm nhạc… Khi nói đến khí nhạc dân tộc không thể không nhắc tới độc tấu sáo trúc Lý hoài nam (Đức Tùy), độc tấu đàn nhị Kể chuyện ngày mùa (Thao Giang), độc tấu đàn bầu Vì miền Nam, độc tấu đàn tỳ bà Chỉ một niềm tin, độc tấu đàn tranh Bình minh rẻo cao… hoặc các tác phẩm hòa  tấu dàn nhạc như Nông thôn đổi mới (Tạ Phước – Tô Vũ), Ông Gióng (Nguyễn Xuân Khoát), Nhớ về nam (Nguyễn Văn Thương), Dòng kênh trong (Hoàng Đạm), Du xuân (Trần Quý)… Bên cạnh đó, còn rất nhiều ca khúc, dân ca được chuyển soạn cho nhạc cụ dân tộc độc tấu (có hoặc không có phần đệm) như: độc tấu sáo trúc Anh vẫn hành quân, Trên đường chiến thắng; độc tấu đàn tranh Trường Sơn đông – Trường Sơn tây; độc tấu đàn bầu Rặng trâm bầu, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người… Có thể nói, các tác phẩm mới viết cho nhạc khí dân tộc đã đóng vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nền âm nhạc dân tộc nước nhà trong 60 năm qua.

Nói đến các sáng tác mới cho nhạc khí dân tộc, phải kể đến đội ngũ sáng tác của những thập niên cuối TK XX, nhất là sau khi các nhạc viện được thành lập. Rất nhiều người trong số họ không phải nhạc sĩ, mà là nghệ sĩ biểu diễn, giảng viên… có hiểu biết sâu sắc về nhạc cụ dân tộc, lòng yêu nghề, sự đam mê… Họ sáng tác cho chính mình diễn tấu, cho chương trình đào tạo nhạc cụ dân tộc, cho nền âm nhạc dân tộc mới.

Có 3 nhóm tác phẩm viết cho nhạc khí dân tộc trong giai đoạn này gồm:

Những tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc, thể hiện những kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ điêu luyện, mang hình ảnh, con người Việt Nam, tình yêu đất nước và những nội dung thời đại khác.

Những tác phẩm độc tấu có phần đệm, phần đệm viết cho một nhạc cụ, nhóm nhạc cụ, dàn nhạc dân tộc đương đại. Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm độc tấu với phần đệm của nhóm nhạc cụ phương Tây hoặc dàn nhạc giao hưởng phương Tây… Trong tất cả các tác phẩm, cần đặc biệt chú trọng kỹ thuật diễn tấu, sự kết hợp với phần đệm của các nhạc cụ, thể hiện khai thác âm sắc nhạc cụ dân tộc, sự pha trộn giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây… Đôi khi, tác phẩm được sáng tạo với mục đích chứng minh khả năng diễn tấu, thể hiện sự đối tỷ – kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng phương Tây.

Những tác phẩm hòa tấu có hình thức thính phòng, loại khí nhạc viết cho nhóm nhạc nhỏ, hoặc dàn nhạc dân tộc đương đại. Với dáng dấp dàn nhạc 4 bộ của âm nhạc phương Tây, dàn nhạc dân tộc đương đại tập hợp tất cả các nhạc khí dân tộc đang được giảng dạy tại các nhạc viện, học viện, có thể kết hợp với các nhạc khí dân gian như đàn t’rưng, đàn k’long but… Chủ yếu những sáng tác này phối khí theo lối tổ – bộ, kỹ thuật hòa âm 4 bè, xây dựng, phát triển chủ đề âm nhạc… Dàn nhạc dân tộc đương đại thường xuất hiện những nhạc khí bè trầm, đó là những nhạc khí dân tộc cải tiến, thiết kế và hệ thống dây như đàn tứ bass, nhị bass…

Trong xu hướng sáng tác này, các tác phẩm khí nhạc thường sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc để xây dựng chủ đề, phát triển dựa trên kỹ thuật sáng tác khí nhạc phương Tây. Đặc biệt, các tác giả của dòng âm nhạc này quan tâm, khai thác những kỹ thuật thể hiện tính năng nhạc cụ, đồng thời, phát huy kỹ thuật diễn tấu của nhạc khí phương Tây. Những tác phẩm khí nhạc dân tộc mới gắn liền với Nguyễn Văn Thương, Huy Thục, Hoàng Đạm, Trần Quý, Ngô Sỹ Hiển, Xuân Tứ, Hồng Thái… đánh dấu một thời phát triển mạnh mẽ của khí nhạc Việt Nam.

Nhạc viện TP.HCM trong những năm cuối TK XX vẫn tự hào về hàng chục tác phẩm độc tấu viết cho đàn tranh của Phạm Thúy Hoan, Nguyễn Văn Đời, Trần Thanh Trung, Nguyễn Thị Ngọc Châu, Đặng Thị Kim Hiền, Bùi Thiên Hoàng Quân, Đỗ Toàn Thắng… Những thể nghiệm của các nhà giáo được đưa vào chương trình đào tạo đại học, thường được chọn diễn tấu trong thi tốt nghiệp, thi học kỳ, thi cuối năm, trình diễn trong các cuộc liên hoan ca nhạc dân tộc…

Trong đó, NGƯT Nguyễn Văn Đời là người biên soạn nhiều tác phẩm khí nhạc dân tộc mới: giao hưởng số 1 cho dàn nhạc dân tộc, sonate viết cho đàn tranh, concerto cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc, sonate (hòa tấu thính phòng) cho sáo, tranh, tam thập lục… Bên cạnh cấu trúc, hình thức âm nhạc cổ điển châu Âu, chất liệu âm nhạc dân tộc được thể hiện trong giai điệu, tiết tấu, hình tượng âm nhạc như: Xuân phong (ca Huế) trong sonate cho đàn tranh Gió xuân, hay Khổng Minh tọa lầu (nhạc miền Nam) trong hòa tấu dàn nhạc dân tộc, hoặc các hơi Nam Xuân, Nam Ai, Oán… trong hầu hết các tác phẩm độc tấu, hòa tấu.

Cùng với đó, hàng loạt những sáng tác thể nghiệm của cố GS, TS, NSND Quang Hải cho nhạc khí dân tộc và dàn nhạc giao hưởng ra đời: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng số 1 Quê tôi giải phóng, số 2 Đất và hoa, concerto cho đàn nguyệt và dàn nhạc giao hưởng Bình minh, concerto cho đàn t’rưng và dàn nhạc giao hưởng Hoa thơm bướm lượn… Đối với nghệ sĩ diễn tấu, đây cũng là những tác phẩm có tính khám phá về tính năng nhạc khí dân tộc, kỹ thuật diễn tấu mới, sự đối tỷ giữa nhạc khí dân tộc với dàn nhạc giao hưởng, sự giao thoa âm nhạc dân tộc với thể loại âm nhạc kinh viện phương Tây. Thời gian gần đây, số lượng tác phẩm không nhiều như trước, tuy nhiên chúng vẫn tiếp tục là điểm sáng góp phần phát triển âm nhạc dân tộc nước nhà.

Nhìn chung, các sáng tác cho nhạc khí dân tộc giai đoạn này đều mang hơi hướng phương Tây, từ cấu trúc hình thức đến giai điệu, hòa âm, phối khí…, kèm theo đó là việc bình quân hóa hệ thống thanh âm trên nền chất liệu âm nhạc dân tộc. Điều này được xem như một quy luật tất yếu, bởi người Việt đã có khoảng thời gian dài tiếp xúc, giao lưu với văn hóa phương Tây.

2. Những tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc theo dòng âm nhạc đương đại

Theo thói quen, nhiều người vẫn sử dụng thuật ngữ nhạc cổ điển, nhạc hiện đại để chỉ thể loại âm nhạc kinh viện phương Tây. Tuy nhiên, trong các học viện, nhạc viện, dòng nhạc này được sáng tác, biên soạn cho dàn nhạc giao hưởng, hòa tấu nhạc cụ, hợp xướng… có nguồn cội và phát triển từ âm nhạc cổ điển châu Âu TK XVII, XVIII…, được gọi là âm nhạc kinh viện đương đại. Như vậy, những tác phẩm được sáng tạo dựa trên những yếu tố, phương pháp, ngôn ngữ mới… từ khoảng sau thế chiến lần thứ hai, được giới chuyên môn gọi là âm nhạc đương đại.

Theo đó, một dòng khí nhạc dân tộc Việt được viết theo phong cách mới, sáng tác bằng ngôn ngữ của những xu hướng âm nhạc đương đại ra đời vào cuối TK XX. Những tác phẩm này thể hiện sự kế thừa tư tưởng tiên phong của các trường phái, phong cách sáng tác khí nhạc hậu hiện đại, đó là: 6 tác phẩm khí nhạc dân tộc trong CD Bóng thời gian, Hương vị thời gian của Lê Tuấn Hùng và Đặng Kim Hiền; các tiểu phẩm có tựa đề Khói viết cho các nhạc khí dân tộc của cố nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo… Tất nhiên, đây không phải là những tác phẩm khí nhạc dân tộc đầu tiên đi theo xu hướng này.

Cũng có những sáng tác không cùng xu hướng những tác phẩm nêu trên, nhưng lại có hơi hướng của những thể nghiệm, mang đến cho người nghe những xúc cảm ban sơ của một hướng đi mới. Đó là chùm tác phẩm hòa tấu của Nguyễn Phúc Linh, những thể nghiệm từ Vũ Nhật Tân với Ngũ đối, đăng đàn (hòa tấu sáo, nhị, nguyệt, tranh, bộ gõ); Hoàng Cương với Biến tấu chủ đề cho bốn nhạc cụ (flute, đàn bầu, cello, piano); Trần Đinh Lăng với Độc thoại (tam tấu tranh, hautbois, cello), Những cánh đồng bất tận (độc tấu đàn tranh, dàn dây)…

Sự pha trộn âm sắc nhạc cụ giữa nhạc khí dân tộc và nhạc khí phương Tây của Trần Đinh Lăng như một thể nghiệm nhẹ nhàng, khiêm tốn cho một bức màu bắt đầu bằng 2 miền sáng – tối. Những kỹ thuật diễn tấu, sự đan xen giữa nhạc cụ độc tấu và dàn dây bằng các tiết tấu đảo phách, cách xây dựng chủ đề khá chỉnh chu trong Những cánh đồng bất tận tạo cảm giác gợi mở đối với cả người sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Sự pha trộn âm sắc còn thể hiện rõ nét trong Độc thoại với sự hòa sắc của đàn tranh với nhạc khí phương Tây. Hình tượng âm nhạc được mở rộng với lối ngẫu hứng của cây đàn tranh trên nền của sự chỉnh chu, nghiêm túc từ đàn cello, giai điệu của hautbois.

Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Linh chọn hình ảnh trong bảng màu âm sắc nhạc cụ khá quen thuộc: tiêu – nhị – tranh hoặc tiêu (hoặc sáo, nhị) – nguyệt – tranh (36 dây)… trong chùm tác phẩm hòa tấu của mình. Tuy thể hiện những lối pha trộn quen thuộc giữa các bè nhưng tác phẩm được xây dựng, phát triển bằng những đường nét, giai điệu âm nhạc ít gặp, tạo sự không trùng lặp với cấu trúc của các tác phẩm khí nhạc dân tộc giai đoạn trước.

Có thể, ký hiệu âm nhạc chỉ là bước khởi đầu, thể hiện tư duy trên giấy, mở đầu cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ trong diễn tấu. Tiếp theo, các nhạc sĩ sử dụng âm sắc nhạc cụ dân tộc, khai thác sự pha trộn âm sắc nhạc cụ… để thể hiện những hình ảnh trong cuộc sống. Người nghe như đang đứng trước những bức tranh mà mỗi nội dung là một hình ảnh được miêu tả thật lung linh, mờ ảo, như đứng trước thiên nhiên, cuộc sống muôn màu, hay thế giới tâm tưởng muôn vẻ của con người. Mỗi bản nhạc là một góc nhìn, thông điệp riêng mà nhạc sĩ muốn chuyển tải đến người nghe.

Bóng thời gian, Hương vị thời gian là hai CD tập hợp các tác phẩm mang tính khai phá những cương vực âm thanh mới trong nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. 6 tác phẩm trong CD Bóng thời gian thể hiện sự gắn bó với truyền thống nhạc Việt, sử dụng nhạc khí, các làn điệu âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là cách ứng tấu trong quá trình biểu diễn. Như vậy, những tác phẩm này không viết trên thang âm bình quân của âm nhạc châu Âu mà được thể hiện bằng những cao độ tương đối của hệ thống thang âm 7 cung đều và cung điệu (điệu thức) ngũ cung Việt. Người ta không còn thấy những yếu tố chủ đề, phát triển chủ đề, hợp âm… trong những tác phẩm này. Cả 6 bài đều chú trọng cách phát triển giai điệu cổ truyền, sử dụng các mẫu giai điệu, cách chạy chuyền chữ, luyến láy cổ…, kết hợp với những khai phá về biên giới âm thanh: âm khu không thuận lợi của nhạc cụ, âm sắc chỏi, chói hoặc mờ tối; là sự kết hợp của giọng hát và nhạc cụ, của âm thanh từ nhạc khí và thiên nhiên (tiếng dế kêu, tiếng gió, sấm sét, tiếng gõ đũa tre…). Cả trong Bóng thời gian hay Hương vị thời gian, âm thanh được vang lên mới mẻ từ trong ý tưởng, kỹ thuật trình tấu. Với những quan niệm mới về hình thức âm nhạc, cùng sự tiếp nhận kỹ thuật trình diễn của một số nhạc cụ truyền thống như tiêu tre Bali, gậy làm mưa từ châu Mỹ, sáo shakuhachi Nhật, sáo dizi, khèn Trung Quốc, nhạc cụ gõ từ nhiều nước, kỹ thuật hát bồi âm từ Tây Tạng, Mông Cổ… người nghe đã rời khỏi thực tại, cùng suy tưởng, bay bổng với khoảng không đầy âm thanh. Sự vận dụng những thành tựu mới trong khoa học kỹ thuật vào nghệ thuật tạo thanh, nỗ lực phát triển kỹ thuật hát mới…, tất cả được gói ghém trong tác phẩm, quyết định sự lựa chọn âm thanh, màu sắc, cách phối hợp các nhạc cụ, lối ngẫu hứng trong diễn tấu tác phẩm.

Cùng với ý tưởng này, những tiểu phẩm mang tên Khói của Nguyễn Thiên Đạo chọn sự đơn mộc của mỗi nhạc cụ dân tộc độc tấu từ những cảm nhận bàng bạc của khói. Tất cả sử dụng thang âm không bình quân, giai điệu Trường Tương Tư của ca Huế trong Khói Trương Chi, miên man sóng nước của Khói sóng, mở ảo của Khói nguyệt và lối ngâm Kiều ẩn chứa trong Khói tháp… nhưng trên hết là tính ngẫu hứng trong mỗi tác phẩm. Tất cả được thể hiện qua lăng kính của ngôn ngữ trường phái tiên phong. Âm nhạc dân tộc được thể hiện ở đây chỉ như cái bóng của chính nó, không phải y nguyên mà thay đổi theo chiều ánh sáng xuyên qua, theo ánh nhìn, theo chiều sáng tối.

Không chỉ đưa vào tác phẩm những âm thanh chói tai, ngược tính năng… những tìm tòi của các nhạc sĩ còn thể hiện ở những cách tạo âm lạ, chưa từng có trong kỹ thuật diễn tấu. Biên giới âm thanh mở rộng không ngừng, tưởng chừng không còn giới hạn: đàn trên cầu đàn, bên trái nhạn đàn tranh, vỗ – đập trên dây, khẩy bằng que, đàn trong sự ngắt – chận âm… Các cao độ 1/4, 1/3, 1/4 âm liên tục vang lên tưởng như một sự sai lệch cung bậc, nhưng đó là những độc đáo trong nhạc tài tử Nam bộ, được Nguyễn Thiên Đạo, Đặng Kim Hiền đưa vào tác phẩm một cách táo bạo, thể hiện những ý nhạc đầy cá tính, mạnh mẽ.

Những tác phẩm để lại cho người nghe một miền âm thanh, trong đó, thi thoảng lại vang lên những chuỗi nhạc thật gần gũi rồi bỗng biến mất để những âm thanh huyễn hoặc vang lên, khó hiểu, bí ẩn như trong Căn thức hoặc những pha trộn âm sắc như trong Tơ đồng (Nguyễn Thiên Đạo). Bên cạnh sự pha trộn âm sắc của các nhạc khí, tác phẩm cũng biểu hiện sự tương phản cả về cao độ, trường độ, cách tạo âm thanh (cách kích âm để tạo những âm thanh hoàn toàn ngược nhau). Những dòng âm thanh lượn lên, vòng xuống liên tục, mềm mại làm nền cho những âm thanh hoang tưởng không rõ cao độ của đàn bầu, tiếng vê khàn đục trượt trên các cao độ khác nhau của đàn nguyệt. Tất cả hòa lẫn vào nhau, vừa mâu thuẫn vừa phù hợp, vừa chênh chỏi vừa xoắn xuýt.

Cùng với hướng sáng tạo này, còn có nhiều tác phẩm khác như: Chiến mã (độc tấu tranh), Inside/Outside (voice, đàn tranh, viola da gamba…) của Đặng Kim Hiền; Mirage I, Mirage II (hòa tấu đàn tranh – bầu) của Kent    Olofsson… Các tác phẩm viết theo lối này đã vượt ra khỏi khuôn mẫu, rào cản của khúc thức, cấu trúc âm nhạc cổ điển, táo bạo trong biến hóa thang âm, cung điệu truyền thống theo góc nhìn của người đương thời, bỏ qua những yêu cầu, chuẩn mực về hòa hợp âm thanh để đến với sự “chênh chỏi”, khác lạ để mô tả nội dung, tư duy, cảm xúc âm nhạc.

 Những tác phẩm khí nhạc dân tộc đương đại đã có nhiều tìm tòi, thể hiện ý tưởng táo bạo, đôi khi hơi dị thường. Ở đó, nhạc sĩ có thể không cần biết đến kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ, chỉ quan tâm đến hiệu quả âm thanh, miễn sao đong đầy cảm xúc sáng tác. Lối sáng tác này làm cho khí nhạc dân tộc đương đại có cách kế thừa và phát triển nhạc dân tộc cổ truyền theo một chiều hướng mới.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *